Hàng hóa siêu thị dồi dào, sẵn sàng vào cao điểm Tết
28/11/2023 | Tác giả: MỘC MIÊN Lượt xem: 285
Chỉ hơn hai tháng nữa đến Tết Giáp Thìn 2024, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa dồi dào. Song song đó, các hệ thống siêu thị lớn như Saigon Co.op cũng nhanh chóng bung khuyến mãi, đón đầu xu hướng phục vụ mùa mua sắm cao điểm.
Nhằm kích cầu tiêu dùng trong mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, Sở Công Thương TP.HCM đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Hàng Tết đủ đầy, sẵn sàng lên kệ
Những ngày gần đây từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ cho đến siêu thị lớn đều bắt đầu xuất hiện các mặt hàng đặc trưng dịp Tết. Nhiều nhãn hàng thuộc ngành đồ uống, bánh kẹo, gạo... tung ra hàng loạt sản phẩm với bao bì mới mẻ, mang đậm sắc xuân.
Trong lúc này, nhiều doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ lớn trên cả nước cũng đã chủ động chuẩn bị hàng hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.op - cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân xuyên suốt giai đoạn trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife, Cheers... toàn quốc đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết.
Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đầy đủ phân khúc tiêu dùng.
Đặc biệt, siêu thị còn dành riêng một khu vực để doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm").
Hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng từ 3 tháng trước. Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi nhằm mang đến nguồn hàng phong phú nhưng có giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi.
Nhiều chuyên gia cho rằng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có cơ hội tăng trở lại, nhờ vào việc: kinh tế trong nước dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng (chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia, tháng khuyến mãi tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết)... được triển khai.
Với dự báo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng cao so với ngày thường, nhiều doanh nghiệp cũng đã triển khai phương án nhập hàng, đàm phán với nhà cung cấp để sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng.
Phía Sở Công Thương TP.HCM cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm nay đạt khoảng 578.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ, nhưng chưa đạt so với trước dịch COVID-19, thể hiện tăng trưởng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Trong khi đó, bên cạnh xuất nhập khẩu và đầu tư công, trụ cột thứ ba đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng của TP.HCM là tiêu dùng.
Có thể thấy, Tết Nguyên Đán là dịp rất tốt để kích cầu tiêu dùng. Tận dụng xu hướng này, Sở Công Thương TP.HCM nỗ lực kết nối, để nhiều đơn vị triển khai chương trình bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu.
Song song đó, sở cũng đặc biệt chú ý liên kết vùng, bằng cách phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thị trường cũng sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ...
Được biết, vào các tháng Tết, số lượng hàng bình ổn chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường. Trong đó tập trung vào nhiều mặt hàng thiết yếu như: gạo, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, rau củ quả, thịt gia súc - gia cầm, thủy hải sản...
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hang-hoa-sieu-thi-doi-dao-san-sang-vao-cao-diem-tet-20231128074142651.htm