Hết sốt - giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết

Hết sốt - giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết

08/07/2022 | Tác giả: Thư Anh Lượt xem: 277


Sau giai đoạn sốt cao, người bệnh dễ biến chứng, vào sốc (chuyển nặng), khiến tổn thương đa cơ quan, chảy máu ồ ạt, thậm chí tử vong.

Hết sốt - giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết

Ngày 7/7, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một bé trai 11 tuổi, béo phì, bị sốt xuất huyết nặng. Trước nhập viện 4 ngày, trẻ sốt cao liên tục, kèm theo ho nhiều. Đi khám tại một cơ sở y tế tư nhân, bé được chẩn đoán và kê thuốc viêm phổi, viêm phế quản.

Ngày bệnh thứ 3, 4, trẻ hết sốt nhưng than mệt nhiều, khó thở, đau bụng, tay chân lạnh. Khi tới bệnh viện, trẻ đã suy hô hấp, suy gan, rối loạn đông máu. Các bác sĩ xét nghiệm, xác định trẻ dương tính với virus gây sốt xuất huyết Dengue, đã vào sốc nặng. Các bác sĩ phải thực hiện nhiều kỹ thuật hồi sức, cấp cứu và các loại thuốc chống sốc trẻ mới qua cơn nguy kịch. Theo bác sĩ Tiến, đây là một trường hợp chẩn đoán ban đầu nhầm, điều trị chệch hướng, trẻ nhập viện muộn.

Trong nhiều năm điều trị sốt xuất huyết, ông Tiến cũng từng gặp các trường hợp dù được chỉ định nhập viện, thử máu theo dõi tình trạng cô đọng máu, đo sinh hiệu mỗi ngày, song vì chủ quan thấy hết sốt, người bệnh tự ý về nhà hai ngày cuối tuần. Đến khi có dấu hiệu sốc, nhập viện cấp cứu trở lại, người bệnh đã xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, không đo được huyết áp, nhịp tim. Một số trường hợp không thể cứu được.

"Những sai lầm này ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh và khiến việc điều trị khó khăn hơn", bác sĩ nói.

Nhiều bác sĩ ở các bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM cho biết các ca sốt xuất huyết trở nặng phần lớn do nhập viện trễ. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo bác sĩ Tiến, bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em thường diễn tiến qua ba giai đoạn, trung bình 7 ngày. Cụ thể:

Giai đoạn sốt (ngày 1-3): Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ C đột ngột, kèm đau nhức đầu, toàn thân, mỏi cơ, buồn nôn, chán ăn. Uống thuốc hạ sốt khó giảm.

Giai đoạn hết sốt (ngày 3-6, nhiều nhất là ngày 4-5): Triệu chứng sốt giảm hẳn, phần lớn người bệnh thấy dễ chịu hơn, giảm đau nhức.

Khoảng 10-20% cảm thấy hết sốt nhưng người mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của vào sốc. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Giai đoạn hồi phục (sau ngày 6-7): Nếu trước đó không vào sốc, người bệnh sẽ hết sốt hoàn toàn, không còn mệt mỏi, đau bụng, ăn ngon miệng hơn, da có thể ngứa và nổi mảng đỏ hồi phục. Qua được 7 ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ ổn.

Trong đó, giai đoạn hết sốt là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh, bác sĩ Tiến nói và giải thích, ở giai đoạn đầu tiên, virus xâm nhập và lưu hành mạnh trong máu gây sốt. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ tạo ra hàng loạt kháng thể để chống lại virus. Virus bị tiêu diệt sẽ giảm dần số lượng trong máu và cơ thể sẽ hạ sốt.

Tuy nhiên, thời điểm này xảy ra hai tình huống. Thứ nhất, nếu kháng thể được tạo ra là kháng thể trung hòa (có lợi cho cơ thể), thì đến khoảng ngày 3-7, người bệnh sẽ hết sốt hoàn toàn và dần phục hồi, tỉnh táo, ăn uống được.

Trường hợp thứ hai, nếu kháng thể được tạo ra là kháng thể tăng cường miễn dịch (có hại cho cơ thể) sẽ kết hợp chéo với một số kháng nguyên (mầm bệnh) khác của virus. Sự kết hợp này sẽ tạo thành phức hợp kháng nguyên - kháng thể, tác động lên trên thành mạch máu, tăng tính thấm thành mạch, tổn thương tế bào nội mạc. Từ đó dẫn đến thất thoát huyết tương trong mạch máu ra ngoài, gây tràn dịch màng phổi, suy hô hấp.

Nếu thoát huyết tương quá nhiều, người bệnh sẽ bị cô đặc máu, vào sốc với các biểu hiện vật vã, li bì, lạnh tay chân, mạch và huyết áp tụt sâu hoặc huyết áp kẹt.

Khi vào sốc nặng hơn mà không được chống sốc tích cực, sẽ mất thêm yếu tố đông máu. Như vậy, việc tưới máu tới các cơ quan kém đi, dẫn đến tổn thương gan, thận, phổi, tổn thương não, có thể tử vong.

Ngoài ra, sốc sốt xuất huyết còn làm giảm số lượng tiểu cầu, gây chảy máu. Tùy vào mức độ biến chứng, người bệnh có thể chỉ xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng; hoặc nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi cầu phân đen), xuất huyết nội tạng... 10-20% bệnh nhân sốt xuất huyết có nguy cơ trở nặng.

Để hạn chế nguy cơ bệnh nặng, bác sĩ khuyến cáo người bệnh ngoại trú, ở ngày bệnh thứ 3-6, sau khi hết sốt cần nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế làm việc, vận động mạnh, sát sao theo dõi sức khỏe. Đồng thời phải tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ, mỗi 12 giờ hoặc 24 giờ, tuân thủ thử máu. Nếu có dấu hiệu cảnh báo nặng, như đau bụng vùng hạ sườn phải, bứt rứt, vã mồ hôi, tay chân lạnh, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo bất thường... cần đến bệnh viện ngay.

Theo báo Vnexpress

https://vnexpress.net/het-sot-giai-doan-nguy-hiem-cua-sot-xuat-huyet-4484534.html


Chia sẻ trên

07/07/2022 | Tác giả: Thùy Dương

Khám phá siêu máy tính AI của Facebook, có thể mạnh nhất thế giới khi hoàn thiện

Từ lâu, Facebook cho rằng rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp họ thực hiện nhiệm vụ khó khăn là kiểm duyệt các bài đăng từ hàng tỷ người dùng. Giờ đây, công ty mẹ của Facebook là Meta đang thực hiện một bước có thể giúp thực hiện mục tiêu khó khăn đó: chế tạo siêu máy tính đầu tiên.

08/07/2022 | Tác giả: Minh Vũ

MG4 EV lộ diện - thách thức Hyundai Ioniq 5

Mẫu hatchback chạy điện lộ thiết kế, phát triển dựa trên nền tảng mới của MG, dự kiến ra mắt vào tháng 9.

08/07/2022 | Tác giả: Lê Tuyết

Gần 50% lao động muốn chuyển việc sau dịch

Sau dịch, gần 50% lao động muốn đổi công ty để có phúc lợi tốt hơn, linh hoạt thời gian, địa điểm làm việc, theo báo cáo toàn cảnh lao động 2022 của ManpowerGroup.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...