Hoành Sơn quan thuộc về ai ?
10/09/2023 | Tác giả: Nguyễn Phúc - Phạm Đức Lượt xem: 233
Trên đỉnh Đèo Ngang, Hoành Sơn quan là một di tích lịch sử có số phận kỳ lạ khi cùng được tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Ngặt nỗi, khi hai bên đang tranh cãi về việc Hoành Sơn quan thuộc về địa phương nào, thì di tích có giá trị lịch sử đặc biệt này đang bị xâm hại, xuống cấp.
Nếu di chuyển bằng đường bộ, từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh và ngược lại, khi đi tới Đèo Ngang (ranh giới tự nhiên của hai tỉnh), ta sẽ gặp Hoành Sơn quan.
Theo sử cũ chép lại, năm 1833, vua Minh Mạng đã cho lập Hoành Sơn quan, với mục đích kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại. Xưa kia, Hoành Sơn quan được xây tường bằng đá, dài 11 trượng 8 thước, cao 5 thước. Cổng có cửa cao 4 m, hai bên có tường thành chạy dài, trên cổng là biển bằng đá đề 3 chữ Hán "Hoành Sơn quan". Đây là cửa ải có vị trí và giá trị đặc biệt quan trọng cả về địa lý lẫn lịch sử, cùng với vẻ trầm mặc cổ kính, là chứng tích hùng hồn về những năm tháng thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Có một quá khứ oai hùng, nhưng hiện trạng Hoành Sơn quan khá đáng buồn, nó đang bị lãng quên. Tất cả chỉ còn cổng và đoạn tường thành rêu phong, hoang phế, cỏ mọc um tùm… khiến nhiều du khách ái ngại khi dừng chân. Hầu như các mặt tường và bên trong vòm cửa của Hoành Sơn quan đều bị bôi bẩn với những hình vẽ, chữ viết… lem luốc. Chưa hết, cách đây khoảng 7 năm, có người dân còn tự ý xây một miếu lớn sát Hoành Sơn quan, dù đã bị lực lượng chức năng đập bỏ nhưng hiện vẫn có một am thờ.
Ngày nay đứng trên Hoành Sơn quan, nhìn về phía bắc sẽ thấy vùng đất thuộc xã Kỳ Nam (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nhưng quay về phương nam thì thu vào tầm mắt những nếp nhà của người dân xã Quảng Đông (H.Quảng Trạch, Quảng Bình).
Tranh chấp di tích
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Hoành Sơn quan cùng được UBND tỉnh Quảng Bình và UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh lần lượt vào tháng 8.2002 và tháng 3.2005. Tréo ngoe là sau đó cả hai tỉnh đều đề nghị Bộ VH-TT-DL xếp hạng Hoành Sơn quan là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nhưng đều không được chấp nhận, bởi lý do di tích đang tranh chấp.
Năm 2002, Sở VH-TT-DL của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết vụ tranh chấp Hoành Sơn quan. Tại đây, Hà Tĩnh lại đưa ra bản đồ địa chính mới khẳng định di tích thuộc về tỉnh này, còn Quảng Bình cương quyết không đồng ý với lý do công trình được sử sách ghi nhận thuộc tỉnh Quảng Bình quản lý.
Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái, trong lịch sử, Quảng Bình được giao trách nhiệm quản lý, vận hành cửa ải này, thể hiện ở mặt hướng ra phía Hà Tĩnh với 3 chữ "Hoành Sơn quan". Ông Thái cho rằng các sách chính sử, thư tịch cổ như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí… cũng đều nêu rõ công trình này thuộc phía Quảng Bình. "Việc Hoành Sơn quan hiện nằm trên địa phận Hà Tĩnh là do khi phân định địa giới hành chính mới, cơ quan chuyên môn đã phân định theo đường phân thủy mà không quan tâm đến không gian văn hóa, không lấy ý kiến tham khảo từ các chuyên gia", tiến sĩ Thái nói.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trai dẫn sách Minh Mạng chính yếu (chính sử) có ghi chép: "Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua mới dụ bảo bầy tôi: Tỉnh Quảng Bình phía nam gần kinh kỳ, phía bắc qua núi Hoành Sơn nơi ấy rất là xung yếu, thành trì không thể không vững bền được, mới sai quan tỉnh ấy thuê lấy đá ở núi để xây đắp…".
Trái lại, ông Nguyễn Trí Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định xét về mặt lịch sử thì di tích cổng Hoành Sơn quan không phải của tỉnh nào, nên nhiều người cho rằng di tích này đang bị 2 tỉnh tranh chấp là hiểu sai về văn hóa, lịch sử.
"Theo các tài liệu ghi chép, dưới thời nhà Nguyễn, nhà vua cho dựng cổng thành nằm trên đỉnh Đèo Ngang, giao cho người canh gác vì đây là cửa ải quan trọng để kiểm soát đường đi vào kinh thành Huế từ phía bắc. Tương tự, Hải Vân quan thuộc khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Do đó, cổng được xây dựng là để kiểm soát người vào kinh thành Huế thời ấy, nên không phải là cổng vào của Hà Tĩnh và Quảng Bình", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, xét về mặt địa lý thì hiện tại Hoành Sơn quan nằm trên địa giới quản lý hành chính của tỉnh Hà Tĩnh, thuộc địa phận xã Kỳ Nam (TX.Kỳ Anh). "Về di tích này thì tỉnh Quảng Bình cũng đã xếp hạng, nhưng theo tôi là xếp hạng sai. Bởi vì muốn xếp hạng di tích thì phải có đất", ông Sơn nói.
Tương tự, ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, cho biết theo luật Di sản, di tích nằm ở địa phương nào thì do địa phương đó quản lý. "Ở đây, di tích nằm trên đất của Hà Tĩnh", ông Thập chia sẻ.
Hoành Sơn quan thuộc về đất nước
Trăn trở với Hoành Sơn quan, tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái cho rằng đến nay di tích này chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là thiếu sót của các cơ quan quản lý văn hóa. Việc dùng dằng rồi "bỏ rơi" một di tích đặc biệt, tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng làm tổn thương di tích. Theo ông Thái, khi không được bảo vệ thì công trình sẽ hoang phế, xuống cấp, cùng với đó là sự xâm hại của con người, trong khi nơi đây ngoài giá trị lịch sử còn xứng đáng là danh thắng đẹp, có thể khai thác du lịch.
Hai tỉnh cùng tu bổ Hải Vân quan
Có một hùng quan khác cũng từng gặp cảnh "éo le" như Hoành Sơn quan là Hải Vân quan, có thời gian dài bị tranh chấp giữa Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, dẫn đến tình trạng hoang phế. Năm 2017, khi chính quyền hai tỉnh, thành cùng hợp tác, Bộ VH-TT-DL xếp hạng Hải Vân quan là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia thuộc 2 tỉnh, thành này. Tháng 12.2021, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở VH-TT TP.Đà Nẵng khởi công dự án bảo tồn tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan, tổng mức đầu tư 42 tỉ đồng, mỗi tỉnh thành đóng góp ngân sách một nửa… Đến nay, Hải Vân quan như "bừng tỉnh", trở thành điểm đến cho rất nhiều du khách.
Tương tự, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn cũng cho rằng di tích Hoành Sơn quan xứng đáng được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vì tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử văn hóa, kiến trúc vốn có của nó.
Với góc độ là đơn vị quản lý văn hóa, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình, thừa nhận Hoành Sơn quan đang xuống cấp và nguy cơ trở thành phế tích nếu chưa được giải quyết, công nhận một cách rõ ràng thuộc về tỉnh nào. Cũng bởi lý do này, di tích này đến nay vẫn chưa lần nào được tu bổ, tôn tạo.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho rằng nói cho cùng, ranh giới giữa các tỉnh, các huyện chỉ là tương đối. "Các di tích lịch sử - văn hóa là của quốc gia, của dân tộc. Nhà nước giao cho ai quản lý thì người đó quản lý cho tốt hay thậm chí có thể cùng giao cho cả 2 tỉnh quản lý, cũng là một ý kiến đáng ủng hộ. Cái đích cuối cùng là làm sao để Hoành Sơn quan đừng bị xâm hại, đừng bị trở thành phế tích và đưa được nhiều du khách ghé chân…", vị này trăn trở.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/hoanh-son-quan-thuoc-ve-ai-185230910013334299.htm