Học gì để hè vui, bổ ích?

Học gì để hè vui, bổ ích?

13/06/2024 | Tác giả: CAO HUYỀN Lượt xem: 87


Học thêm dịp hè là câu chuyện không mới nhưng không bớt thời sự mỗi dịp hè về. Phụ huynh có nhiều quan điểm và cách làm khác nhau về việc nên cho con học hay không học hè; mức độ, thời gian học,… Đồng thời, quan điểm này còn bị chi phối bởi hoàn cảnh từng gia đình

Học gì để hè vui, bổ ích?
Học bơi là kỹ năng sống cần thiết.

Học thêm dịp hè là câu chuyện không mới nhưng không bớt thời sự mỗi dịp hè về. Phụ huynh có nhiều quan điểm và cách làm khác nhau về việc nên cho con học hay không học hè; mức độ, thời gian học,… Đồng thời, quan điểm này còn bị chi phối bởi hoàn cảnh từng gia đình.

Học hè để quản lý trẻ

Đối với phụ huynh ở đô thị thì cho con học thêm hè là việc thường thấy, hầu như trẻ em nào cũng có học hè ít hoặc nhiều. Nếu trẻ mẫu giáo sau khi nghỉ hè từ 1-2 tuần, nhà trường sẽ mở lớp hè cho phụ huynh có nhu cầu gửi con. Đa số phụ huynh đi làm thường chọn phương án này. Tuy nhiên, đối với trẻ cấp tiểu học, THCS thì việc học gì trong hè, ai trông trẻ, ai đưa rước,... là vấn đề lớn.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (phường Trường An, TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi chỉ có một con gái học tiểu học, tới hè là vợ chồng lại lo vì không biết gửi con ở đâu, mang con theo đi làm thì sợ ảnh hưởng công việc, để con ở nhà một mình thì không yên tâm, cho con đi học thêm nhiều thì con chẳng có hè mà vợ chồng tôi cũng phải đưa rước con trong giờ làm. Phải chi trường tiểu học cũng dạy trẻ trong hè!”.

Hiện nay, những trung tâm, cơ sở dạy thêm xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu học thêm hè ngày càng lớn. Nhiều người nói, nghỉ hè không nên bắt con đi học thêm, làm mất tuổi thơ của con. Tuy nhiên, mùa hè trẻ được nghỉ nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm. Nếu để con ở nhà, con sẽ làm bạn với tivi, điện thoại, trò chơi điện tử hay vào các trang mạng xã hội có thông tin bạo lực, tiêu cực,... trẻ dễ trở nên thụ động, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

Anh Nguyễn Khánh Phương (Phường 8, TP Vĩnh Long) có 2 con đang học lớp 4 và lớp 8, chia sẻ: “Không cho con học hè thì không biết cho bé đi đâu, vợ chồng tôi đều đi làm, không kiểm soát được con nên cho con đi học thêm hè. Trước mắt, tôi cho con học vẽ vào 3 buổi sáng trong tuần và mỗi tuần 3 buổi tối học tiếng Anh. Sắp tới, sẽ đăng ký cho con học một số môn văn hóa mà con còn yếu”.

Có thể nói, tính chất công việc của phụ huynh, hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng rất lớn đến thời gian hè của trẻ. Song song đó, một vài phụ huynh cho con học hè vì “lo” con không học kịp tiến độ các bạn trong lớp khi vào học chính thức. Thậm chí chưa nghỉ hè đã lo… học hè. Và hè trở thành học kỳ 3.

Bồi dưỡng, rèn luyện

Hè là thời gian vui chơi, giải trí của học sinh, để các em rèn luyện kỹ năng, bổ sung những hoạt động thể dục, thể thao bổ ích để trẻ phát triển khỏe mạnh từ thể chất đến tinh thần.

Lớp học vẽ, đàn của họa sĩ Lương Tín Đức ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên đã đông vui trở lại khi vào hè. Các lớp vẫn nhận học viên mỗi ngày, thời gian học đa dạng theo thỏa thuận giữa phụ huynh với giáo viên, sáng từ 8-11 giờ; chiều từ 14-17 giờ.

Học vẽ, học đàn còn giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung, sáng tạo và đối với các trẻ tăng động thì điềm tĩnh hơn. Và hơn hết, phụ huynh đi làm không lo lắng vấn đề giữ trẻ trong hè và cũng tốt hơn việc để con xem tivi, điện thoại suốt ngày.

Song song đó, hè là thời gian dành cho các hoạt động bổ ích, vừa giúp con vui chơi, lại tăng cường kỹ năng vận động, tư duy để con phát triển thể chất và có hè trọn vẹn hơn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (Phường 3, TP Vĩnh Long) nói: “Tôi đăng ký cho con học môn bóng chuyền mà con yêu thích và học thêm ngoại ngữ. Thời gian con không học thêm, tôi đi làm thì gửi con ở nhà ông bà gần đó”. Tuy nhiên, khi chị Hằng tìm lớp học bóng chuyền cho con thì phải hỏi thăm rất nhiều nơi, đến khi tìm được thầy dạy thì học phí quá cao, chị phải “bấm bụng” cho con học.

Chị Hằng chia sẻ: “Tôi thấy các lớp thể thao hè cho học sinh chủ yếu bóng đá, bơi lội nhưng các môn thể thao khác như bóng chuyền, cầu lông,… thì rất khó tìm lớp học. Con tôi học mỗi buổi bóng chuyền là 200.000đ”.

Cũng giống như chị Hằng, chị Phạm Phi Hồng (Phường 8, TP Vĩnh Long) cũng cho con học tiếng Anh tại trung tâm trong dịp hè. Ngoài ra, chị cũng khuyến khích con tự do làm những việc mình thích như: vẽ tranh, đọc truyện, nghe nhạc khi nghỉ hè. Chị Hồng cho rằng: “Hè là để vui chơi, tôi không muốn con quá áp lực trong kỳ nghỉ này. Đến gần tựu trường sẽ cho con bắt nhịp từ từ việc học”.

Dịp này, tại các hồ bơi từ TP Vĩnh Long đến các thị trấn trong huyện, lớp dạy bơi hè cũng được khởi động với nhiều học sinh tham gia. Học bơi vừa giúp con vui chơi, lại giúp trẻ phát triển thể chất, kỹ năng sống. Dẫu vậy, không ít phụ huynh băn khoăn vì diện tích hồ bơi nhỏ hẹp, nhu cầu học bơi nhiều, lớp học quá đông ảnh hưởng việc dạy và quản lý trẻ của giáo viên. Bên cạnh, nhiều phụ huynh còn có nỗi lo vì vệ sinh nước một vài hồ bơi chưa được đảm bảo.

Trẻ học vẽ bồi dưỡng năng khiếu, sở thích.

Vẫn biết, mục đích mỗi gia đình, mỗi phụ huynh dành cho con cái khác nhau, nhưng phụ huynh chúng ta nên hạn chế cho con học thêm văn hóa vào dịp hè. Hãy cho các em học thêm ngoại ngữ, tin học hoặc các hoạt động thể thao, giải trí, để các em có thời gian nghỉ ngơi mà vẫn trang bị kỹ năng cần thiết.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, ở lứa tuổi thiếu nhi, trẻ thường hiếu kỳ, thích khám phá thế giới chung quanh. Do đó, việc thay đổi không gian sống, dù trong thời gian ngắn của những ngày hè, vẫn có thể giúp trẻ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Hãy khuyến khích con tham gia hoạt động xã hội tại địa phương hoặc đưa trẻ về quê thăm ông bà, họ hàng. Thay đổi môi trường sống sẽ giúp trẻ tăng cường giao tiếp, mở rộng kiến thức, trau dồi vốn ngôn ngữ... để hè lưu lại kỷ niệm đáng nhớ trong hành trang cuộc đời của các em.

 

Theo Báo Vĩnh Long

https://baovinhlong.vn/xa-hoi/giao-duc-dao-tao/202406/hoc-gi-de-he-vui-bo-ich-3184158/


Chia sẻ trên

13/06/2024 | Tác giả: Thục Linh

Lợi ích của tập thể dục với người ung thư

Các nhà nghiên cứu Đại học Birmingham và Bath, Anh, phát hiện một đợt tập thể dục làm tăng số lượng tế bào miễn dịch chống ung thư.

13/06/2024 | Tác giả: SÔNG TRĂNG

Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

Thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm (TP) ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Để bảo vệ sức khỏe người dân, Vĩnh Long đang đẩy mạnh các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng TP không an toàn và các bệnh truyền nhiễm qua đường TP.

13/06/2024 | Tác giả: Thục Linh

Thiếu niên mất một phần phổi vì hút thuốc lá điện tử

Vì nghiện hút thuốc lá điện tử (vape), Kyla Blight, 17 tuổi, bị thủng một lỗ trong phổi và phải phẫu thuật.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...