Hơn 600 đại biểu dự Hội nghị Kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu tỉnh Thái Bình

Hơn 600 đại biểu dự Hội nghị Kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu tỉnh Thái Bình

21/09/2022 | Tác giả: Nguyễn Cường - Cấn Dũng Lượt xem: 311


Ngày 21/9, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu năm 2022.

Hơn 600 đại biểu dự Hội nghị Kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu tỉnh Thái Bình

Về dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan,Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Đỗ Thắng Hải, cùng đại diện lãnh đạo bộ, ban ngành Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại 19 điểm cầu trực tuyến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia... và 18 điểm cầu trong nước...

Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Lào Khăm-Pheng Xay-Xổm-Pheng.

Về phía tỉnh Thái Bình, có sự tham dự của ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND và ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cùng đại diện toàn thể lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh.

Thái Bình – vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình cho biết: Hội nghị Kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình được tổ chức là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của địa phương kết nối với các doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu, hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm tiêu biểu với các nhà phân phối, tập đoàn bán lẻ, đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại, mở rộng hệ thống phân phối và đáp ứng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tặng lãnh hoa chúc mừng tỉnh Thái Bình

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết: Thái Bình là tỉnh có vị trí khá thuận lợi, cách thủ đô Hà Nội 110km, cách Hải Phòng 70 km, với bở biển dài 52 km, hệ thống giao thông thủy bộ kết nối vùng và khu vực tương đối đồng bộ. Thái Bình cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển vào quý II/2023; đồng thời triển khai khởi công thực hiện dự án tuyến cao tốc Ninh Bình- Nam Định- Thái Bình- Hải Phòng vào Quý III/2023, sẽ thúc đẩy việc kết nối, liên kết phát triển sản xuất và lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu đến với thị trường thuận lợi.

Đặc biệt với những đột phá trong phát triển kinh tế xã hội những năm qua, từ một tỉnh thuần nông, Thái Bình đang hướng tới trở thành tỉnh phát triển khá về mọi mặt, trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ đạo làm bệ đỡ hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, xanh- sạch- bền vững. Năm 2021, Thái Bình đạt mức tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 57.112 tỷ đồng, tăng 6,68% so với năm 2020 (đứng thứ 14 về tốc độ tăng GRDP so với 63 tỉnh, thành phố). 8 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Bình tăng 14,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,6%, kim ngạch nhập khẩu tăng 30,4%. Toàn tỉnh có 8.449 doanh nghiệp và 2249 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động.

Thay mặt Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng hoa chúc mừng tỉnh Thái Bình

Bên cạnh đó, Thái Bình là tỉnh sớm hoàn thành, dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới, đang tập trung hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu chính điều này đã và đang tạo ra sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn Thái Bình. Đặc biệt Khu Kinh tế Thái Bình đang được tập trung triển khai xây dựng đồng bộ về hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp Tiền Hải… đang tạo sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với một số dự án quy mô lớn làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh những năm tới… Đặc biệt, Thái Bình đã định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là nòng cốt trong phát triển ngành công nghiệp nhằm hỗ trợ gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, Thái Bình đang hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa sạch, hữu cơ, với đa dạng các loại sản phẩm như gạo, khoai tây, tỏi, ớt, ngao, tôm... và một số sản phẩm công nghiệp từ nông nghiệp như bún phở tươi, các sản phẩm nông nghiệp được phát triển theo 3 trụ cột gồm: sản phẩm chủ lực quốc gia- sản phẩm chủ lực địa phương-các sản phẩm khác.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Thái Bình, ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết: Năm 2022, lúa vụ Xuân đạt trên 535 nghìn tấn, năng suất đạt 70,8 tạ/ha; diện tích lúa mùa đã gieo cấy toàn tỉnh đạt 76.628ha, vượt 0,16% diện tích theo Đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông của tỉnh; tổng diện tích cây màu hè thu đã trồng đạt 8.990 ha, vượt 38% kế hoạch. Toàn tỉnh có 2.390 trang trại chăn nuôi và khoảng 250.000 nông hộ chăn nuôi, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.665,1 ha.

Thái Bình có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống được cả nước biết đến như: Nước mắm Diêm Điền, mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy, kẹo lạc, bánh đa, dệt khăn tay bông, thảm cói, chạm bạc, thêu ren... Một số sản phẩm công nghiệp có lợi thế như sứ vệ sinh, thủy tinh pha lê..., Đến nay, Tỉnh thái bình có 64 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao; có 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các sản phẩm của Thái Bình hiện nay đã có mặt không chỉ ở các chợ truyền thống mà còn xuất hiện tại các trung tâm thương mại, siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, Wincommerce, Vinmart +..., được giao dịch qua một số sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso,...

Thái Bình cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Lãnh đạo Sở Công Thương còn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã bằng nhiều hình thức để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Thái Bình đã triển khai mạnh mẽ cuộc vận động Người việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam gắn với việc phát triển thị trường tiều thụ sản phẩm, như: Hàng năm tổ chức Hội chợ quốc tế Đồng bằng Bắc bộ, tổ chức và tham gia các Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, Hội nghị kết nối cung cầu các tỉnh, địa phương trong cả nước tại Hà Nội, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, thành phố Hồ Chí Minh....Cùng với đó Thái Bình đã triển khai và tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thực hiện nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội, lợi thế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm tiêu biểu của Thái Bình qua đó được đẩy mạnh tiêu thụ.

Hiện Thái Bình có 64 sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng địa phương (OCOP) được công nhận 3,4 sao. Trong số đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của vùng quê lúa, có thương hiệu trên thị trường cả nước như: Mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân, sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cói Tây An - Tiền Hải và khăn bông Thanh Chất - Hưng Hà đủ điều kiện để đăng ký tham gia sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm của Thái Bình sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị. Tiêu biểu như sản phẩm trứng vịt biển, thịt vịt biển Đông Xuyên đã đưa vào tiêu thụ tại 26 cửa hàng, siêu thị ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tới lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương

Hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức tại Thái Bình là một trong những cách thức nhằm đa dạng các biện pháp kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Đây là năm đầu tiên Thái Bình thực hiện bằng hình thức hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại Hội trường trung tâm và 18 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh trong cả nước, 4 điểm cầu trực tuyến quốc tế tại các thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Ôxtrâylia… với quy mô lớn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong bối cảnh cả nước nói chung và Thái Bình nói riêng đang tập trung phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19.

Thông qua hội nghị này, tỉnh Thái Bình mong muốn, những sản phẩm của Thái Bình sẽ đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trong cả nước và các nước khu vực và thế giới. Từ đó giúp Thái Bình tiếp nhận được nhiều hơn nữa thông tin thị trường, nhu cầu trong nước và thế giới nhằm định hướng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện thu nhập của người nông dân, giải quyết tình trạng “ly nông, bất ly hương”, được mùa mất giá, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp bền vững.

Các đại biểu tham quan các mặt hàng nông nghiệp tiêu biểu của Thái Bình

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Thái Bình để đầu tư, trao đổi, hợp tác, liên kết sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương và các địa phương khác.

Các bộ, ngành đồng hành cùng Thái Bình thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thái Bình trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của địa phương ở cả thị trường trong và ngoài nước. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và các tỉnh bạn tổ chức thành công nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm, phát triển thương mại điện tử nhằm tìm kiếm, phát triển thị trường, đa dạng các kênh phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, thông qua các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối và các sàn thương mại điện tử, nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh đã được phân phối rộng rãi...

Dự báo tình hình quốc tế thời gian tới tiếp tục khó khăn với nhiều diễn biến phức tạp, thương mại toàn cầu chịu nhiều sức ép, thị trường lớn sẽ chịu nhiều tác động...Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng bối cảnh đó đòi hỏi tỉnh Thái Bình nói riêng, các địa phương, Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương nói chung phải nỗ lực, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, xây dựng chính sách và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế theo hướng gắn với xúc tiến đầu tư, xúc tiến xuất khẩu gắn với xúc tiến nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của các địa phương; nâng cao hiệu quả hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng các công cụ và giải pháp phù hợp với từng đối tượng, từng thị trường để tận dụng cơ hội, vượt qua thử thách, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị

Để triển khai có hiệu quả các định hướng trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết , Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Thái Bình nói riêng, các địa phương nói chung nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thiết lập, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo ngành hàng, đa dạng các kênh phân phối (cả truyền thống và hiện đại) nhằm chủ động hơn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhất là các nước quan trọng như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đề nghị tỉnh Thái Bình phải thiết lập hệ thống phân phối các sản phẩm tiêu biểu theo hướng gắn chặt với các "đại sứ" là những hiệp hội, người con của Thái Bình đang công tác trên mọi miền tổ quốc, thế giới. Đồng thời, Thái Bình cũng cần phải xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, có giá trị cạnh tranh cao để "đưa sản vật Thái Bình đến muôn nơi".

Trong khuôn khổ hội nghị này, tỉnh Thái Bình cũng tổ chức Lễ khởi động, chương trình Đưa hàng nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh vào hệ thống phân phối và Lễ ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc biên bản ghi nhớ giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối; Ký kết thỏa thuận đưa các sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp tiêu biểu của tỉnh lên sàn thương mại điện tử với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình và các doanh nghiệp...

Một số sản phẩm nông nghiệp, tiêu biểu của Thái Bình được giới thiệu:

Những hạt gạo thơm dẻo nức tiếng là sản phẩm không thể thiếu của người Thái Bình
Những chiếc máy cấy do chính những bàn tay của người Thái Bình thiết kế đã đến với tay của hàng triệu người nông dân trên cả nước
Những đồ mỹ nghệ được làm ra từ bàn tay tài hoa của những người thợ làng chạm bạc Đồng Xâm

Theo báo Công Thương

https://congthuong.vn/hon-600-dai-bieu-du-hoi-nghi-ket-noi-cung-cau-day-manh-tieu-thu-san-pham-tieu-bieu-tinh-thai-binh-220655.html


Chia sẻ trên

21/09/2022 | Tác giả: Quỳnh Mai

Tinh dầu hồi Heritage Garden vừa đa năng lại tốt cho sức khỏe.

Tinh dầu tự nhiên ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng trên thị trường đã xuất hiện nhiều cơ sở cung cấp tinh dầu, nhưng không phải nơi nào cũng đảm bảo chất lượng hay uy tín. Heritage Garden sẽ giúp bạn chia sẻ cách nhận biết tinh dầu nguyên chất đơn giản và chính xác qua bài viết dưới đây.

22/09/2022 | Tác giả: Nhật Linh

Nông nghiệp Việt Nam khởi hành 'con tàu' 4.0

Ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản được đánh giá là con đường tất yếu của ngành nông nghiệp để bắt kịp Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo đó, Nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là những chủ thể tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này, vượt qua quá trình gian khó sẽ là những cơ hội lớn, xóa bỏ tình cảnh nông sản "được mùa rớt giá".

21/09/2022 | Tác giả: Minh Hải

Công ty nông nghiệp sạch gây... ô nhiễm bị phạt 150 triệu đồng

Trang trại nuôi lợn của Công ty CP phát triển nông nghiệp sạch KP Phúc Thịnh đã xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường, khiến các loài thủy sản chết và gây ô nhiễm môi trường.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...