Hồng không hạt Bắc Kạn, vị ngọt của núi rừng
29/11/2023 | Tác giả: Thu Trang Lượt xem: 300
Đến với Bắc Kạn mùa này, không chỉ được hòa mình vào tiết trời mùa thu se lạnh mà còn được thưởng thức vị ngọt của trái hồng không hạt, loại quả đặc sản riêng có của Bắc Kạn.
Tháng 8, tháng 9 là thời kỳ cao điểm của mùa thu hoạch quả hồng, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên nhiều vùng quả sai, chín đều, độ ngọt cao nhờ số ngày nắng nhiều. Chúng tôi đến Ba Bể, vùng đất "thủ phủ" của hồng không hạt, với gần 300ha, đa số diện tích đã cho thu hoạch. Những ngày này bà con tất bật thu hái những quả hồng còn lại trên cây. Mỗi xã, mỗi vùng đều có tư thương thu gom tại vườn. Giao thông thuận lợi, công nghệ phát triển, nhiều hộ dân đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, vì thế sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn đầu ra rất thuận lợi, bán được giá.
Chị Đàm Thị Ngôn ở thôn Nà Ma, xã Hà Hiệu là người thu gom hồng cho biết: “Năm nay giá cả ổn định, dao động từ 20.000 - 23.000 đồng/kg hồng. Đến thời điểm này, tôi đã thu mua được hơn 10 tấn, chủ yếu chở về Thái Nguyên, Hà Nội, khách hàng dưới xuôi rất ưa chuộng vì hồng Bắc Kạn sạch, an toàn, lại giòn, ngọt”.
Hồng không hạt Bắc Kạn có vỏ màu vàng đỏ khi chín, sau khi ngâm quả có vị ngọt dịu đến ngọt đậm, nhiều cát đường và rất giòn.
Anh Nguyễn Mạnh Chiến ở quận Long Biên, TP. Hà Nội cho biết: "Được người quen trên Bắc Kạn biếu, cũng là lần đầu thưởng thức hồng không hạt Bắc Kạn nhưng cả gia đình tôi đều rất thích bởi vị ngon đặc biệt, lại giòn, ngọt. Chắc chắn năm sau tôi sẽ đặt nhiều để làm quà biếu người thân”.
Khu sản xuất Khưa Phát ở thôn Nà Chom, xã Quảng Khê (Ba Bể) là nơi có nhiều diện tích hồng không hạt trên 20 năm tuổi, nơi đây khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ, độ cao hơn 700m so với mặt nước biển nên cây hồng phát triển rất tốt, quả to đều. Xác định là cây trồng thế mạnh, người dân ở thôn đã từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, chất lượng ngày một tăng. Nhiều hộ dân có thu nhập khá từ cây trồng đặc sản này.
Theo Quốc lộ 3B dẫn vào huyện Na Rì, đây là vùng nổi tiếng với loại hồng không hạt tên gọi là LT-1. Đây là giống hồng đã có từ lâu, đặc điểm quả to, dáng dẹp, đầu lõm, khi ăn có vị giòn, ngọt. Để khôi phục cây trồng này, năm 2019, Viện Nghiên cứu rau quả đã phối hợp với huyện Na Rì chọn tạo, nhân giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con, từ đó chất lượng cây trồng được cải thiện rõ rệt. Đến nay, quy mô giống hồng không hạt LT-1 đã tăng lên 100ha tập trung tại các xã Sơn Thành, Trần Phú, Cư Lễ.
Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Na Rì cho biết: “Đây là giống cây đặc hữu của địa phương, chúng tôi đã quy hoạch vùng, tiến tới sẽ tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ để tập trung nhân rộng, vận động bà con tham gia liên kết sản xuất nhằm đưa cây trồng này thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng”.
Nhờ được liên kết từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu xúc tiến thương mại, hồng không hạt dần khẳng định thương hiệu, đến nay diện tích toàn tỉnh đã tăng lên gần 700ha, tập trung tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì… Năm 2010, hồng không hạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, năm 2013 sản phẩm này lọt vào Top 100 thương hiệu nổi tiếng, là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2019, tỉnh đã tổ chức Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt tại Hà Nội thu hút nhiều HTX, giúp sản phẩm có bước tiến xa trên thị trường khi có mặt ở các siêu thị, cửa hàng ở các thành phố lớn.
Trong năm tới, tỉnh Bắc Kạn dự kiến xây vùng nguyên liệu gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chính, trong đó có cây hồng không hạt. Giải pháp là vận dụng các chính sách, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ, hỗ trợ kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong hình thành vùng trồng, liên kết tiêu thụ nông sản.../.
Theo báo Bắc Kạn
https://baobackan.com.vn/hong-khong-hat-bac-kan-vi-ngot-cua-nui-rung-post56386.html