Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Hòa Bình năm 2024
03/08/2023 | Tác giả: Admin Lượt xem: 274
Ngày 02/8/2023, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Hòa Bình năm 2024 .
Với mục tiêu: Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) năng động, hiệu quả, bền vững tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh thông qua các mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Khuyến khích phát triển KTTT trong các ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh của địa phương; ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã (HTX) gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, chương trình OCOP,... Tập trung phát triển và cung ứng các dịch vụ phục vụ thành viên HTX, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên. Đẩy mạnh phát triển KTTT hiệu quả và bền vững, đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Phát triển KTTT, thực hiện hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; thu hút và phát triển thành viên.
Mục tiêu cụ thể năm 2024: Thành lập mới 15 THT và 35 HTX; củng cố 30 HTX; giải thể 100% HTX hoạt động không đúng Luật hoặc ngưng hoạt động trên 12 tháng; Doanh thu bình quân 01 HTX tăng từ 6-8%; Thu nhập của lao động HTX tăng bình quân 4%; Tăng thêm 3% số hộ cá thể tham gia thành viên tổ chức kinh tế tập thể; Tỷ lệ HTX quy mô nhỏ trở lên tăng thêm 4%; Tỷ lệ HTX xếp loại chất lượng khá trở lên tăng 3%; Tỷ lệ cán bộ HTX được học tập từ trình độ trung cấp trở lên tăng thêm 10%; Xây dựng từ 20 mô hình HTX điển hình tiên tiến, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phầm.
Các giải pháp phát triển KTTT năm 2024: Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện thể chế chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao năng lực các tổ chức kinh tế tập thể; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển KTTT theo quy định; tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT.
Tổng nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch trong năm 2024: 42.987,5 triệu đồng. Trong đó: Vốn sự nghiệp Ngân sách Trung ương là 42.974 triệu đồng; Vốn sự nghiệp Ngân sách tỉnh là 3.000,5 triệu đồng; Vốn đầu tư phát triển Ngân sách tỉnh là 10.000 triệu đồng.
Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tiếp tục phân bổ tỷ lệ hợp lý trong cơ cấu nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 để thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; trong đó chú trọng bố trí vốn thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, thành viên HTX; bồi dưỡng cho công chức, viên chức về KTTT; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm cho HTX và xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các sở, ngành liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp chung đề xuất thực hiện năm 2024; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KTTT từ các sở, ban, ngành, Liên minh HTX tỉnh, UBND các huyện thành phố năm 2024 tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh để thực hiện Kế hoạch.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KTTT từ các sở, ban, ngành, Liên minh HTX tỉnh, UBND các huyện thành phố năm 2024 tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh để thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ phát triển KTTT, HTX áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Sở Giao thông vận tải: Tổ chức hướng dẫn các HTX vận tải hoạt động đúng quy định; nghiên cứu xây dựng các mô hình HTX vận tải phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục lựa chọn các HTX sản xuất sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của địa phương để hỗ trợ phát triển theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh năm 2024. Xây dựng và thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn các địa phương đăng ký áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chứng nhận VietGAP cho các HTX nông nghiệp; cấp mã số vùng trồng nội địa và mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho các HTX đáp ứng được yêu cầu.
Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ xác lập nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của các HTX; hỗ trợ các HTX thông qua các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chuyển giao đổi mới công nghệ giúp nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các HTX. Hỗ trợ các HTX áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, chuyển đổi số; khuyến khích, hỗ trợ tham gia các hoạt động của giải thưởng chất lượng quốc gia.
Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, hướng dẫn việc lập, thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các HTX; khuyến khích khu vực KTTT, HTX tham gia vào các hoạt động thu gom, phân loại, sử lý chất thải đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo lồng ghép đưa vào các chương trình đào tạo nghề nghiệp của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KTTT, HTX.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hoà Bình tiếp tục giám sát, kiểm tra, củng cố hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoạt động hiệu quả và đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn vốn, ưu tiên cho vay đối với các HTX hoạt động có hiệu quả, hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị tại địa phương; đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hoá thủ tục vay vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận vốn vay; tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ đối tượng HTX và KTTT.
Ban Dân tộc tham mưu phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kế hoạch năm 2024 để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ các mô hình HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Sở Công thương tiếp tục triển khai các Đề án hỗ trợ HTX ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất từ chương trình khuyến công; hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX tham gia đấu thầu để quản lý kinh doanh chợ hạng III nông thôn. Tổ chức hướng dẫn các HTX bán lẻ điện và các HTX trong lĩnh vực công thương hoạt động đúng quy định.
Trường Chính trị tỉnh nghiên cứu bổ sung chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy về KTTT trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng tổng hợp kế hoạch và nhu cầu kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở ngành liên quan đề xuất kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT năm 2024. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động việc thành lập và phát triển HTX theo Luật HTX 2023 để đảm bảo mục tiêu đổi mới hình thức sản xuất gắn với việc hoàn thành tiêu chí số 13 trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án, dịch vụ công, nhiệm vụ được tỉnh giao, uỷ thác về phát triển KTTT, nhất là các hoạt động về: tuyên truyền chủ trương chính sách phát triển KTTT; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, thành viên HTX/THT; bồi dưỡng công chức, viên chức quản lý KTTT; các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm KTTT; tư vấn, hỗ trợ xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh; thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, chương trình dự án, phần việc được giao trong các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển KTTT.
UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các HTX có nhu cầu xây dựng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; tạo điều kiện thông qua cơ chế đặt hàng các HTX thực hiện dịch vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, nước sạch nông thôn. Tiếp tục, chủ động giải quyết dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, không hoạt động trên địa bàn; thực hiện rà soát, chuyển đổi tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX 2023; Xây dựng kế hoạch củng cố hoạt động và vận động thành lập các HTX mới, trong đó chú trọng các HTX ứng dụng công nghệ cao và HTX tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX.
Theo Trang Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Hòa Bình
https://tinhuyhoabinh.vn/web/trang-chu/tin-tuc-hoat-dong/tin-kinh-te-xa-hoi-tinh/kinh-te/ke-hoach-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-tinh-hoa-binh-nam-2024.html