“Kho báu vàng đen” giúp các hộ dân tăng thu nhập của anh nông dân phố núi
04/11/2024 | Tác giả: Khánh Ngọc Lượt xem: 49
Không chỉ thành công trong việc lai tạo giống dổi xanh, anh Hoàng Xuân Thanh còn không ngừng nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm từ loại cây được mệnh danh là “vàng đen”.
Từ đam mê đến thành công
Xuất phát từ niềm đam mê mãnh liệt với nông nghiệp, anh Hoàng Xuân Thanh (SN 1970, trú tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không ngừng học hỏi, nghiên cứu và lai tạo thành công giống cây dổi xanh.
Với nhiều đặc tính vượt trội, cây dổi xanh không chỉ giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập mà còn có tác dụng bảo vệ đất đai và giữ ẩm cho các vùng canh tác.
Nói về loại cây trồng từng được mệnh danh là "vàng đen", anh Thanh chia sẻ: "Tôi sinh ra, lớn lên ở Hòa Bình và gắn bó với nông nghiệp từ nhỏ. Hơn nữa, gia đình có nhiều thế hệ làm nghề thuốc đông y nên tôi có cơ hội tìm hiểu về rất nhiều loại cây có thể làm vị thuốc, trong đó có cây dổi".
Theo anh Thanh, cây dổi thuộc chi ngọc lan, không chỉ được biết đến trong y học cổ truyền mà còn là gia vị trong nhiều bữa ăn của người dân Việt Nam. Trong đông y, hạt dổi được dùng để chữa tiêu chảy.
Năm 1987, anh và gia đình rời quê hương vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp. Tại vùng đất mới, bên cạnh việc gìn giữ nghề thuốc đông y gia truyền, anh Thanh tích cực sản xuất nông nghiệp để cải thiện cuộc sống. Anh đã mày mò, nghiên cứu để lai tạo nhiều loại giống cây trồng, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đến năm 2004, anh Thanh bắt tay vào việc nghiên cứu, lai tạo giống dổi để phục vụ nhu cầu của người dân và góp phần trồng rừng, phủ màu xanh cho đất nước. "Quá trình nghiên cứu, lai tạo giống cây dổi, tôi đã trồng thử nghiệm trên diện tích đất của gia đình. Sau nhiều lần thất bại, năm 2008, tôi đã lai tạo thành công và đặt tên cho "đứa con" của mình là dổi xanh", anh Thanh kể lại.
Với những nỗ lực không ngừng, cây dổi xanh của anh Thanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu giống cây trồng vào năm 2016. Anh cho biết, giống dổi mới này có nhiều đặc tính vượt trội so với dổi thông thường.
Anh Thanh lý giải: "Giống dổi xanh của có thể giữ được 700 năm mà không bị biến đổi gen. Đồng thời, cây không bị đổ lá vào mùa thu và phát triển tốt trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau.
Giống cây này không chỉ phù hợp với nhiều vùng đất mà còn phát triển khỏe mạnh, cành lá sum suê, tán rộng, thuận lợi cho việc trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu. Cây dổi xanh cũng rất dễ chăm sóc, không phải đầu tư nhiều, chỉ cần tưới nước trong năm đầu, từ năm thứ hai trở đi, cây tự phát triển. Cây còn kháng được nhiều bệnh, nên người dân không cần phun thuốc trừ sâu".
Cũng theo anh Thanh, từ năm thứ 3, cây dổi xanh bắt đầu thu bói, cho quả quanh năm, khi vào thời điểm chính vụ sản lượng trung bình lên đến 35kg hạt dổi khô/cây/năm.
"Việc thu hoạch quả dổi giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trước đây, giá hạt dổi khô có lúc lên tới trên dưới 1 triệu đồng/kg, hiện tại giá khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, cây dổi còn có thể thu gỗ sau 20 năm trồng và có thể dùng để trồng rừng", anh Thanh nói.
Biến "vàng đen" thành cơ hội phát triển bền vững
Không giữ giống cây dổi xanh cho riêng mình, anh Thanh đã lặn lội đến nhiều nơi để thuyết phục người dân liên kết trồng giống cây được ví như "vàng đen" này.
Đến nay, anh Thanh đã liên kết với hàng nghìn hộ dân, các hợp tác xã và đơn vị trên toàn quốc, trồng xen cây dổi trong các vườn tạp, rừng tạp, cũng như những khu vực đất xấu không thể trồng cây khác. Tổng diện tích trồng dổi xanh ước đạt khoảng 40.000ha.
"Đối với những hộ nông dân không có vốn, tôi sẵn sàng bán giống cho họ và cho phép hoàn trả tiền khi thu hoạch, bán hạt. Bên cạnh đó, tôi cũng liên kết, cam kết bao tiêu mua hạt dổi với giá ổn định cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn cho bà con quy trình trồng, chăm sóc dổi xanh", anh Thanh chia sẻ.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, từ năm 2023, anh đã nghiên cứu và sử dụng vỏ, lá, quả dổi non để chưng cất thành tinh dầu dổi, phục vụ cho việc xông phòng, khử mùi và xoa bóp... Sản phẩm này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vào đầu năm 2024 và đang được đề xuất xây dựng thành sản phẩm OCOP cho địa phương. Riêng hạt dổi sau khi thu hái, phơi khô, anh ép để làm gia vị, phục vụ cho việc chế biến thực phẩm.
Để các sản phẩm chế biết từ dổi ngày càng được nhiều người biết đến, anh Thanh đã tìm đến các chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ để ký gửi 2 dòng sản phẩm tinh dầu và dầu ép lạnh từ dổi. Bên cạnh đó, anh còn mang các sản phẩm của mình tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm...
Ngoài ra, anh còn đẩy mạnh sản xuất cà phê, hồ tiêu và dược liệu, thậm chí xây dựng nhà yến để nuôi chim yến, từ đó nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, gia đình anh Thanh thu nhập trung bình khoảng 600-700 triệu đồng mỗi năm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trần Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho hay, cây dổi được người dân trên địa bàn trồng từ năm 2017. Đến nay, rất nhiều người dân trên địa bàn xã trồng xen canh cây dổi, với tổng diện tích hơn 10.000ha.
Tuy nhiên, chỉ một mình anh Thanh là sản xuất được nhiều sản phẩm từ dổi như tinh dầu dổi, dầu ép lạnh. Từ đó, góp phần đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và hỗ trợ người dân phát triển giống dổi.
Hiện, chính quyền địa phương đang làm thủ tục, hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận sản phẩm tinh dầu dổi của anh Thanh là sản phẩm OCOP.
Theo Người đưa tin
https://www.nguoiduatin.vn/kho-bau-vang-den-giup-cac-ho-dan-tang-thu-nhap-cua-anh-nong-dan-pho-nui-204241101130801054.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn