Khoa học - công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp
04/07/2024 | Tác giả: MINH ĐẠT Lượt xem: 99
Chương trình khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn... Việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KH-CN vào sản xuất sẽ làm tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).
ỨNG DỤNG KH-CN VÀO SẢN XUẤT
Thời gian qua, Bạc Liêu đã đưa KH-CN vào phục vụ xây dựng NTM, nhất là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Cụ thể, trong lĩnh vực thủy sản có nhiều công trình nuôi được thiết kế liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý nước thải, chất thải tạo biogas, tái sử dụng nước thải; mô hình nuôi ao đất lót bạt, ao nuôi bố trí trong nhà màng, nhà kín... Công nghệ nuôi ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước, công nghệ Biofloc, công nghệ điện toán đám mây, thu thập dữ liệu từ các ao nuôi qua các thiết bị di động, các bộ cảm biến và thiết bị cho ăn tự động, hệ thống sục khí ôxy và xi-phong đáy...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 7 doanh nghiệp được cấp chứng nhận các tiêu chuẩn Global GAP, BAP, ASC… Tỉnh cũng phát triển nhiều mô hình tôm - lúa phía Bắc Quốc lộ 1A; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng và bảo vệ rừng khu vực ven biển, gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu tôm Bạc Liêu.
Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành chức năng đã ứng dụng công nghệ lai tạo giống kết hợp công nghệ sinh học phân tử để tạo ra các giống cây trồng mới có đặc tính ưu việt cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình trồng cây trong nhà màng, nhà lưới có hệ thống điều khiển, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động, canh tác không dùng đất, công nghệ điều khiển từ xa trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản... Ứng dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, tưới tiết kiệm nước, xuống giống né rầy... Ngoài ra còn có mô hình công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng), Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); bón phân thông minh, phân hữu cơ; áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất; sạ theo khóm, sạ hàng; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và lò sấy… nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm hao hụt trong khâu thu hoạch; ứng dụng nhà lưới, nhà màng, màng phủ nông nghiệp trong sản xuất rau màu.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Trong thời gian tới, Bạc Liêu xác định “tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; xây dựng mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế, đặc thù của tỉnh”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20% diện tích canh tác nông nghiệp sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; mỗi huyện, thị, thành phố có ít nhất một mô hình hoặc vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn về an toàn dịch bệnh... Đồng thời triển khai hiệu quả chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh với các viện, trường trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ nano, công nghệ trong vận chuyển, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt là áp dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đối với tôm, lúa và các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ chuyển đổi số, quan trắc dự báo nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu… Đây cũng là cơ sở để hướng đến thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp, nâng cao tri thức cho người dân nông thôn. Muốn làm được điều này thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như đào tạo nông dân đủ khả năng ứng dụng KH-CN vào sản xuất; chuyên nghiệp hóa nông dân để đủ kiến thức và năng lực quản lý sản xuất theo mô hình gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Theo báo Bạc Liêu
https://www.baobaclieu.vn/nong-nghiep-nong-dan-nong-thon/khoa-hoc-cong-nghe-phuc-vu-phat-trien-nong-nghiep-81399.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn