Khoái Châu: Vào vụ thu hoạch lạc
05/07/2024 | Tác giả: Vân Anh Lượt xem: 81
Đã từ nhiều năm, lạc trở thành cây trồng chủ lực được nhiều người dân huyện Khoái Châu đưa vào sản xuất bởi có nhiều ưu điểm như: Thời gian sinh trưởng ngắn, dễ thích nghi, hiệu quả kinh tế ổn định, kỹ thuật trồng lạc không quá phức tạp, không cần nhiều lao động và có thể trồng với diện tích lớn.
Vụ xuân năm nay, nông dân trong huyện gieo trồng hơn 180 héc-ta lạc, tập trung ở các xã: Chí Tân, Tứ Dân, Đại Hưng... Để lạc vụ xuân đạt năng suất, chất lượng cao, ngay từ đầu vụ, huyện khuyến cáo nông dân sử dụng những giống lạc đáp ứng yêu cầu canh tác, dễ tiêu thụ, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như: L14, L18, lạc đỏ 3 nhân… Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đưa các giống lạc chất lượng vào gieo trồng nên phần lớn diện tích trồng lạc của huyện phát triển tốt, củ lạc chắc, đều, thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó, năm nay, năng suất ước đạt khoảng 4 tấn/héc-ta.
Hiện nay, xã Chí Tân có hơn 140 héc-ta trồng lạc, tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Nghi Xuyên và Tân Hưng. Đồng chí Đỗ Bá Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Tân cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các hộ trồng lạc trong xã đã thu hoạch được trên 30% diện tích. Ngay từ đầu vụ, xã đã chỉ đạo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại nên năng suất lạc ổn định, chất lượng tốt. Bên cạnh việc xuất bán lạc tươi ngay tại ruộng, nhiều hộ thu hoạch về phơi khô để bán quanh năm.
Với đặc điểm khả năng sinh trưởng và thích nghi tốt nên bên cạnh việc trồng lạc chuyên canh trên những diện tích lớn, nhiều hộ dân trong huyện đã áp dụng trồng xen canh lạc với nhiều loại cây trồng khác như: Chuối, nghệ… Đây được xem là cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Theo kinh nghiệm sản xuất của nông dân, khi lá lạc phát triển giúp che phủ kín mặt đất sẽ hạn chế cỏ dại, hạn chế rửa trôi dinh dưỡng, xói mòn đất, giữ ẩm, đồng thời, trong rễ, thân cây lạc có chứa nhiều vi khuẩn cố định đạm nên có thể bổ sung cho cây trồng khác, sau khi thu hoạch, người dân sử dụng lá, thân, rễ làm phân bón cho cây trồng, từ đó, giúp tận dụng được nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí và công chăm sóc. Với cách làm này, diện tích đất nông nghiệp được tận dụng tối đa, việc xen gối vụ vừa tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích canh tác, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất. Mặc dù trồng xen nhưng năng suất lạc vẫn bằng 80% năng suất so với lạc trồng thuần. Từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Hoa, xã Tân Dân đã trồng lạc xen chuối tiêu hồng theo cách như vậy. Chị Hoa cho biết: Gia đình tôi có hơn 8 sào chuối tiêu hồng trồng xen lạc, không chỉ tận dụng được quỹ đất mà sau khi thu hoạch, thân, lá lạc được giữ lại che phủ trên mặt đất để giữ ẩm và là nguồn phân hữu cơ cải tạo đất, nhờ vậy mà cây chuối phát triển tốt, không bị cháy lá, táp lá hoặc bị chết trong điều kiện nắng nóng, khô hạn kéo dài. Vụ lạc xuân này, gia đình tôi dự kiến sẽ thu được hơn 15 tạ lạc củ với giá từ 14.000 đến 16.000 đồng/kg.
Những năm gần đây, không chỉ bán củ tươi, người trồng lạc còn đẩy mạnh việc chế biến các sản phẩm từ củ lạc để nâng cao giá trị kinh tế. Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng, xã Đại Hưng đã tập trung phát triển sản phẩm dầu ăn thực vật từ hạt lạc theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Anh Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2018, tôi bắt đầu tìm hiểu và chế biến các sản phẩm từ củ lạc. Xác định khâu nguyên liệu đầu vào quyết định chất lượng sản phẩm, mỗi vụ, HTX đã liên kết sản xuất, bao tiêu khoảng 40 tấn lạc củ cho nông dân trong xã và các xã lân cận. Do được đầu tư các thiết bị có công nghệ hiện đại và sản xuất theo quy trình khép kín, yêu cầu khắt khe về an toàn, vệ sinh thực thẩm nên các sản phẩm được sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định và được người tiêu dùng tin tưởng. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và bán ra thị trường trên 300 lít dầu lạc, với giá bán từ 125.000 đến 145.000 đồng/lít.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng lạc trong khung thời vụ tốt nhất, đặc biệt là trên diện tích đất trồng cây khác kém hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; phối hợp với các địa phương hỗ trợ các hoạt động tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ… góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Theo báo Hưng Yên
https://baohungyen.vn/khoai-chau-vao-vu-thu-hoach-lac-3173360.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn