Kinh tế 6 tháng - dấu ấn tinh thần 'chỉ bàn làm, không bàn lùi'
04/07/2024 | Tác giả: Hoàng Tùng Lượt xem: 122
Kết thúc nửa đầu năm 2024, dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Xuyên suốt trong quá trình phục hồi của kinh tế thể hiện dấu ấn đậm nét của những nỗ lực không ngừng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương. Dấu ấn đó là những hành động kịp thời giải quyết những vấn đề "nóng", tháo gỡ các rào cản nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam phải chịu sức ép lớn từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Các xung đột địa chính trị ở một vài khu vực trên thế giới, căng thẳng Biển Đỏ, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất…, tạo nên những rủi ro về giá dầu, vàng, tỷ giá, vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ở trong nước, kinh tế vĩ mô chịu áp lực lớn từ đà tăng của lạm phát dù vẫn trong tầm kiểm soát. Cùng đó, sức hấp thụ dòng vốn lãi suất thấp chưa được như kỳ vọng, trong khi dòng tiền tiết kiệm của người dân lại có xu hướng đổ vào vàng, ngoại tệ khiến việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh bị suy giảm, ảnh hưởng tới việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Đối mặt với những thách thức lớn như vậy nhưng với những kết quả đạt được hiện tại đã cho thấy sự điều hành chủ động, linh hoạt và đúng đắn trong các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội nhằm thực hiện nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi" với quyết tâm cao nhất vượt qua mọi thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong năm 2024.
Dấu ấn rõ nết nhất có thể kể đến việc nỗ lực trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không. Theo Bộ Giao thông vận tải, tại phiên họp lần thứ 11 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về các dự án công trình Quốc gia, trọng điểm ngành giao thông ngày 8/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 47 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương; thì chỉ trong vòng 1 tháng đến ngày 12/6, các đơn vị đang triển khai 36 nhiệm vụ, đã hoàn thành 11 nhiệm vụ.
Những chỉ tiêu này có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn vì hạ tầng giao thông nói chung, các công trình đường cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng sẽ tạo không gian phát triển mới, khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp mới, giá trị đất đai tăng lên, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hoá.
Thực tế cho thấy ở đâu cả hệ thống chính trị vào cuộc thì kết quả đạt được ở đó rất rõ rệt, các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ; ở đâu lơ là thì ở đó còn vướng mắc. Đến thời điểm này, việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm đạt các kết quả rất đáng mừng. Đơn cử như sân bay Long Thành đã lên hình hài rất rõ; vừa qua đã huy động nguồn vốn gần 2 tỷ USD trong nước cho dự án này; các vướng mắc về vốn, mặt bằng, vật liệu đã được giải quyết, vấn đề bây giờ là tập trung thi công "3 ca, 4 kíp". Các dự án khác như Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài… được triển khai tích cực…
Nói về việc phải có cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án cao tốc, tại một phiên thảo luận tại Tổ của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nếu thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công quy định phải sau khi được phê duyệt mới giải phóng mặt bằng. Như vậy sẽ mất nhiều thời gian, cho nên phải tách giải phóng mặt bằng ra vì đây là vấn đề khó cần làm trước. "Khi đã có giải phóng mặt bằng cùng với "ba ca, bốn kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, chỉ có bàn làm, không bàn lùi thì sẽ xong hết", Thủ tướng khẳng định. Thủ tướng dẫn chứng về dự án cầu Mỹ Thuận 2 "to hơn, dài hơn, rẻ hơn và thời gian làm ngắn hơn, vượt tiến độ" đã được đưa vào sử dụng do áp dụng cách làm này.
Thủ tướng Chính phủ cùng các Tổ công tác của Chỉnh phủ đã thường xuyên có các chuyến đi thị sát, kiểm tra và đốc thúc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên khắp cả nước. Đây không chỉ là sự động viên, cổ vũ về tinh thần đối với đội ngũ cán bộ, công nhân lao động trực tiếp trên các công trường, mà còn đưa ra các chỉ đạo, định hướng kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là trong các vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, xử lý khó khăn về nguồn vật liệu cát san lấp đối với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Sự nỗ lực vào cuộc đáng "ngưỡng mộ" nhất là việc thi công dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án này Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng đường dây này để đưa vào vận hành trong tháng 6/2024 đối với đoạn đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Mục tiêu này là áp lực lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc gì dứt việc đó".
Áp lực lớn là thế nhưng sẽ là kỳ tích trong lịch sử ngành điện khi đầu tư xây dựng một đường dây 500 kV với thời gian ngắn như vậy. Kỳ tích này cũng sẽ khó trở thành hiện thực nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và các địa phương có đường dây đi qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp kiểm tra thi công và đôn đốc chỉ đạo thúc đẩy tiến độ dự án. Mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ cũng đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa…
Tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa tới từng địa phương có dự án đi qua trong việc phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị thi công nhằm bảo đảm tiến độ công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các vị trí móng cột, xác định hành lang tuyến, mở đường tạm phục vụ thi công, bảo đảm an ninh trật tự… hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong quá trình thực hiện dự án.
Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các "điểm nghẽn" thể chế cho doanh nghiệp. Trong số đó, đáng chú ý là một số giải pháp như: tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; khơi thông thị trường trái phiếu; nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng; ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.... Tất cả điều này góp phần tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho khối doanh nghiệp nỗ lực vượt mọi khó khăn, duy trì và vươn lên trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Con số cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023 cũng là một minh chứng thiết thực.
Quản lý thị trường vàng cũng có thể coi là một điểm nhấn trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Trước diễn biến giá vàng "nhảy múa" liên tục trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội, Chính phủ đã vào cuộc thực sự quyết liệt, ra nhiều văn bản, chỉ đạo đạo điều hành sát sao như việc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương cùng các bộ, ngành chức năng liên quan nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Hay như Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng; trong đó có việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý…
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thể hiện sự lắng nghe góp ý từ dư luận, rút kinh nghiệm và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành. Khi nhận thấy việc đấu thầu vàng chưa thực sự hiệu quả đã chuyển sang phương thức bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), rồi từ việc bán vàng trực tiếp, các ngân hàng chuyển sang hình thức bán vàng online để phục vụ tốt hơn cho người dân; đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an cùng vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt, đầu cơ, trục lợi, thao túng thị trường vàng... Những biện pháp mạnh tay và kịp thời đã mang lại hiệu quả nhất định. Giai đoạn đầu tháng 5 khi giá vàng miếng trong nước liên tiếp xô đỉnh, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới có thời điểm chạm mốc 20 triệu đồng/lượng. Nhưng đến thời điểm cuối tháng 6, chênh lệch nói trên chỉ còn khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Một thông tin tích cực khác cũng đến vào cuối tháng 6, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 404/469 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Những nội dung này thu hút sự quan tâm của cử tri và người dân cả nước bởi sự cần thiết và cấp thiết thực hiện. Đặc biệt, ba luật liên quan tới bất động sản có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đó. Điều này được kỳ vọng có tác động lan tỏa, khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Điểm lại một số nội dung trên để thấy, với sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cùng sự quyết tâm nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh đã mang lại những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,08% (vẫn trong ngưỡng Quốc hội giao 4 - 4,5%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD. Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023….
Kỳ vọng với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ đảm bảo cán đích các mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra.
Theo: Báo Ninh Thuận
https://baoninhthuan.com.vn/news/147965p1c25/kinh-te-6-thangdau-an-tinh-than-chi-ban-lam-khong-ban-lui.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn