Kỹ sư với những sáng kiến ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế
25/07/2024 | Tác giả: Nguyễn Hiền Lượt xem: 111
Luôn nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng nhiều sáng kiến giá trị, chị Trần Thị Thanh Hòa, kỹ sư Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ) vinh dự được biểu dương là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh với sáng kiến tiêu biểu trong giai đoạn 2021 – 2023.
Kỹ sư Trần Thị Thanh Hòa gắn bó với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học kỹ thuật từ năm 2009; hiện là chuyên viên phụ trách bộ phận ứng dụng khoa học công nghệ của đơn vị. Với sự chủ động tìm tòi, học hỏi, tiếp cận tiến bộ khoa học, chị Hòa đã có nhiều đóng góp và tham gia nghiên cứu thành công nhiều đề tài, dự án có hiệu quả, chuyển giao cho địa phương thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, chị Hòa tham gia thực hiện 3 đề tài/dự án, bao gồm: “Nghiên cứu khả năng thích ứng, xây dựng mô hình trồng cây sacha inchi tại tỉnh Điện Biên”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại các xã: Pu Nhi, Noong U, huyện Điện Biên Đông”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng dưa lê, dưa lưới công nghệ cao tại tỉnh Điện Biên”. Các đề tài, dự án đều đạt tiến độ đề ra, hoàn thành, được nghiệm thu.
Chị Trần Thị Thanh Hòa có một số giải pháp, sáng kiến góp phần thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Có thể kể đến sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ”; “Một số biện pháp kỹ thuật nhân giống hoa cúc sau nuôi cấy mô (giai đoạn vườn ươm)”...
Các đề tài, dự án, sáng kiến đều được chị Hòa đặt trọn tâm huyết. Hiện tại, chị dành nhiều thời gian và tập trung thực hiện sáng kiến “Một số biện pháp kỹ thuật nhân giống hoa cúc sau nuôi cấy mô (giai đoạn vườn ươm)”. Chị Hòa chia sẻ: “Cúc là một loại hoa được ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, lại dễ trồng. Hiện nay, các hộ trồng cúc thường mua giống từ ngoại tỉnh về với giá cao, hoặc nhân giống cúc bằng phương pháp giâm cành. Vì vậy cây thường không sạch bệnh, hiệu quả không như mong muốn. Trong khi đó, từ năm 2021, Trung tâm đã nghiên cứu nhân giống hoa cúc bằng phương pháp nuôi cấy mô - kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, giúp khắc phục tình trạng thoái hóa giống, cho cây khỏe mạnh, sạch bệnh. Trong quá trình nhân giống, giai đoạn chuyển cây từ ống nghiệm ra ngoài đất là bước cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng và quyết định khả năng ứng dụng toàn bộ quá trình vào sản xuất. Vì thế tôi cùng các đồng nghiệp đã triển khai sáng kiến này, nhằm tăng tỷ lệ xuất vườn cây cúc giống, hướng tới đáp ứng nhu cầu giống cho địa bàn”.
Thực hiện sáng kiến, chị Hòa cùng đồng nghiệp đã “huấn luyện” cây con trước khi ra ngôi, đưa bình nuôi cấy ra ngoài môi trường trước 3 ngày khi đưa ra vườn ươm; sử dụng giá thể TS2 để ươm cây cúc từ trong ống nghiệm; sau khi trồng tưới phun sương đẫm nước cho cây, làm vòm phủ kín nilon để tránh tình trạng cây bị mất nước...
Chị Hòa cho biết thêm: “Những năm trước, chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi tự trộn giá thể, cây sau khi ra khỏi bình cũng không che chắn nên tỷ lệ sống thấp. Sau tìm tòi, rút kinh nghiệm, sáng kiến đã phát huy hiệu quả, sau 2 tuần ra ngôi, cây thích ứng với môi trường và phát triển ổn định, tỷ lệ sống, xuất vườn cây con đã tăng so với cách làm cũ từ 65 - 70% lên 90%”.
Với những nỗ lực học hỏi và phấn đấu của mình, 3 năm liên tiếp (2021 - 2023), chị Trần Thị Thanh Hòa luôn được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; xứng đáng là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh với sáng kiến tiêu biểu trong giai đoạn 2021 - 2023.
Theo Báo Điện Biên Phủ
https://www.baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/216066/ky-su-voi-nhung-sang-kien-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-thuc-te
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn