Lan tỏa phong trào Tết trồng cây
07/02/2025 | Tác giả: Thu Chung Lượt xem: 7
Mỗi dịp xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, các cấp, ngành, nhân dân trong tỉnh lại nô nức thực hiện Tết trồng cây theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng không chỉ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mà còn giúp tái thiết rừng sau thiên tai.
Nét đẹp đầu Xuân
Cách đây 66 năm, ngày 28/11/1959 Bác Hồ viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân. Sau khi phân tích sâu sắc ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, với mỗi gia đình, mỗi người dân, Bác kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước, trở thành một phong tục đẹp, thành một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là Tết mở đầu một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp vui Tết đón Xuân. Các phong trào: “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi đến ngày nay chúng ta có “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”… là những dấu ấn đậm nét về quyết tâm làm theo lời Bác của nhân dân ta.
Tại Quảng Ninh, phong trào trồng cây đầu năm đã thành một truyền thống tốt đẹp từ tỉnh đến các địa phương, đến từng khu dân cư. Mỗi dịp Xuân về, “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân cùng nhau trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Nối tiếp truyền thống tốt đẹp đó, những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, các ngành, các cấp và người dân trong toàn tỉnh sôi nổi hưởng ứng Tết trồng cây theo lời dạy của Bác, thiết thực mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới.
Tại khu vực rừng cộng đồng thôn Đồng Đình (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) - nơi dấu vết của bão Yagi càn quét vẫn còn rõ nét, ngày 3/2 vừa qua tỉnh tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Đây là hoạt động mở đầu cho lễ phát động đồng loạt Tết trồng cây trong cả tỉnh nhằm triển khai Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động và khôi phục rừng sản xuất sau bão Yagi. Càng đặc biệt hơn khi lễ phát động năm nay diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 (1930-2025), kỷ niệm 65 năm Bác Hồ kính yêu ra lời kêu gọi nhân dân tham gia Tết trồng cây mùa xuân năm 1960. Sự trùng hợp đặc biệt này càng tô thêm ý nghĩa tốt đẹp của Tết trồng cây, đồng thời báo hiệu cho sự khởi đầu của một năm mới, của mùa xuân mới, một tuổi mới của Đảng, một thời kỳ mới của đất nước với khát vọng vươn mình của cả một quốc gia dân tộc.
Tại lễ phát động có hơn 2.000 cây lim, giổi, lát được trồng. Đây là những loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Tiên Yên. Dự lễ phát động và tham gia Tết trồng cây tại đây, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân toàn tỉnh hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu Xuân và cả năm, sớm khôi phục lại diện tích rừng bị thiệt hại do bão. Việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học, giữ gìn hệ sinh thái, mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Quảng Ninh là một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển xanh, bền vững.
Từ lễ phát động của tỉnh, Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025 đã được hưởng ứng rộng khắp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Qua đó khơi dậy phong trào trồng cây trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và quần chúng nhân dân; đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh diện tích rừng bị tàn phá sau thiên tai, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn về mặt sinh thái và hiệu quả kinh tế.
Tại 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tiên Yên đã đồng loạt tổ chức ra quân trồng 378.435 cây xanh các loại. Trong đó, trồng cây phân tán 18.435 cây; trồng rừng sản xuất 120ha, gấp 2,3 lần so với phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024. TP Móng Cái cũng đồng loạt ra quân phát động Tết trồng cây và tổ chức trồng khoảng 3.000 cây gỗ lớn với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng rừng năm 2025 nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 41%. Huyện Đầm Hà trồng mới gần 4.000 cây giổi tại các xã, thị trấn…
Huyện Ba Chẽ, trong lễ ra quân hưởng ứng Tết trồng cây đã trồng được 3ha rừng với 3.300 cây giổi xanh. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đồng loạt hưởng ứng trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa và trồng cây xanh, bóng mát tại các cụm dân cư, dọc tuyến đường liên thôn, liên xã, nhà văn hóa thôn và các trường học. Mục tiêu cao nhất là thực hiện thắng lợi mục tiêu trồng rừng năm 2025 trên địa bàn huyện đạt trên 5.000ha rừng tập trung, phấn đấu trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị thiệt hại do bão Yagi gây ra; nâng độ che phủ rừng lên trên 55,8%.
Các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh cũng tích cực hưởng ứng tham gia Tết trồng cây. Trong đó, chủ động lựa chọn trồng các loại cây ăn quả, cây xanh, cây bóng mát, hàng rào cây xanh trong khuôn viên; các khu phố lựa chọn một tuyến đường hoặc khuôn viên nhà văn hóa khu phố để tổ chức trồng cây, lựa chọn các loài cây có tuổi thọ cao, loài cây bản địa phù hợp với điều kiện đặc thù, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hơn nửa thế kỷ đi qua, nhưng bài viết “Tết trồng cây” của Bác vẫn còn nguyên giá trị, được cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, thực hiện hằng năm, trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, một nét đẹp văn hóa truyền thống. Duy trì tốt phong trào trồng cây, trồng rừng mỗi dịp Tết đến, Xuân về theo lời Bác dạy góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu cùng những diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống của người dân, việc trồng cây gây rừng, đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, cấp bách.
Nhân lên màu xanh cho những cánh rừng
Triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021”; Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", công tác trồng cây, gây rừng đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ với các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Qua đó đưa diện tích rừng trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, tăng từng năm, chất lượng rừng từng bước được nâng cao; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 55%. Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ 18 cả nước về diện tích rừng, đứng thứ 14 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng.
Tháng 9/2024 bão Yagi đã gây thiệt hại to lớn cho diện tích rừng trên địa bàn tỉnh với 128ha bị gãy đổ, tỷ lệ che phủ rừng giảm ước còn 42%. Tổng giá trị thiệt hại ước trên 5.000 tỷ đồng, vừa thiệt hại lớn về kinh tế, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cảnh quan, nguồn nước. Ngay sau bão, các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị, hộ trồng rừng đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại, triển khai ngay các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời khẩn trương khôi phục sản xuất. Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai ngay các chính sách hỗ trợ của tỉnh để hỗ trợ các chủ rừng, khẩn trương xây dựng Đề án tái thiết ngành lâm nghiệp; cùng với đó thần tốc khôi phục cây xanh đô thị, phục hồi cảnh quan, gắn với cơ cấu lại cây trồng theo hướng bền vững.
Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 đã xác định chỉ tiêu giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42% và nâng cao chất lượng rừng, đưa kinh tế rừng Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi và phát triển. Theo đó năm 2025, tỉnh phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 31.847ha, gồm 2.724ha rừng phòng hộ và 29.123ha rừng sản xuất. Đây là con số lớn chưa từng có, gấp 2,4 lần so với chỉ tiêu trồng rừng năm 2024, thể hiện quyết tâm rất cao của tỉnh trong công tác phát triển, khôi phục sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp sau bão.
Để đảm bảo mục tiêu tái tạo màu xanh mới bằng những cánh rừng trồng, các cấp chính quyền cùng nhân dân thể hiện sự quyết tâm, chung tay, đồng hành, đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, thiên tai, thực hiện tái thiết, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp bền vững, đưa kinh tế rừng Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Ngay từ đầu năm, huyện Tiên Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp tái thiết sản xuất sau bão Yagi gây ra trên địa bàn, nhất là đẩy nhanh trồng rừng, phủ xanh diện tích rừng bị tàn phá sau thiên tai, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn về mặt sinh thái và hiệu quả kinh tế. Huyện đã ban hành và triển khai Đề án phát triển trồng rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó yêu cầu các địa phương, chủ rừng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa ở những nơi có điều kiện; giao chỉ tiêu thực hiện đến từng chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn.
Kế hoạch sản xuất lâm nghiệp năm 2025 huyện Tiên Yên tập trung khai thác những diện tích cây keo bị thiệt hại còn lại là 225.000m3 (tương đương 3.500ha), trồng lại rừng sau khai thác là 7.000ha. Trong đó trồng rừng phòng hộ 447ha; trồng rừng sản xuất 6.553ha, gấp 3,3 lần so kết quả trồng rừng hằng năm trên địa bàn; trồng cây gỗ lớn bản địa đạt ít nhất 250ha.
Đồng chí Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Huyện quyết tâm ngay trong vụ Xuân phấn đấu trồng rừng đạt 60% và hoàn thành trồng rừng trong quý II/2025. Qua đó góp phần tích cực khôi phục, tăng tỷ lệ che phủ rừng bị thiệt hại sau bão số Yagi từ 45,6% năm 2024 lên đạt 54,2% năm 2025, phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 60% vào năm 2026 như tỷ lệ che phủ rừng trước khi xảy ra bão.
Do ảnh hưởng cơn bão Yagi, trên địa bàn TP Cẩm Phả có trên 10.500ha cây rừng bị gãy đổ, thiệt hại từ 30-100%. Để kịp thời khôi phục diện tích rừng trồng bị ảnh hưởng, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, các xã, phường, chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khẩn trương trồng cây phục hồi rừng sau bão. Ngay trong những ngày đầu năm, thành phố đã phát động và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức, cá nhân, chủ rừng trên địa bàn đồng loạt hưởng ứng Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ năm 2025 đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong đó ưu tiên trồng các loài cây gỗ lớn, bản địa như giổi, sồi, lim, lát, dẻ, sưa, thông, xoan…
Đồng chí Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cẩm Phả, cho biết: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trồng rừng năm 2025 đạt 4.000ha rừng tập trung, 66ha rừng cây bản địa, trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị thiệt hại do bão Yagi gây ra, duy trì che phủ rừng đạt 21%; cùng với phát động trồng cây và chăm sóc, bảo vệ rừng, thành phố yêu cầu các chủ rừng thực hiện phục hồi, tái thiết diện tích rừng trồng bị thiệt hại do bão, sau khai thác tận thu trồng bằng các loài cây bản địa đảm bảo tiêu chí rừng phòng hộ. Đối với diện tích rừng sản xuất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần theo lộ trình diện tích trồng lại rừng bị thiệt hại thay thế loài cây trồng mọc nhanh, tăng dần các loài cây bản địa, gỗ lớn ở những nơi có điều kiện.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, thực hiện hiệu quả trồng cây, trồng rừng sẽ góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nhân lên màu xanh cho những cánh rừng sau thiệt hại nặng nề bởi cơn bão Yagi.
Theo báo Quảng Ninh
https://baoquangninh.vn/xuan-ve-trong-cay-theo-loi-bac-3342472.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn