Làng mai vàng 8 cánh ở Quảng Ngãi
23/01/2023 | Tác giả: Phạm Linh Lượt xem: 546
Làng mai Thân Tình trồng 5.000 cây mai 6-8 cánh, khác với mai vàng 5 cánh truyền thống, được gọi theo tên của hai chủ mai cổ thụ đầu tiên.
Nhắc đến các giống mai ở Quảng Ngãi, giới chơi mai hầu như ai cũng biết đến mai Thân Tình, mà cái nôi là xóm 4, thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa.
Hơn 40 năm trước, nhà bà Thân và bà Tình có hai gốc mai khi ấy đã 30-50 tuổi, trở nên nổi danh vì mai vì nở 6-8 cánh, có bông lên đến 12 cánh. Búp mai tròn, bung nở rực rỡ với kích thước gần gấp đôi mai truyền thống, và dai sức, đến mùng 5-7 mới tàn.
Nhiều lần ghé qua nhà bà Thân và bà Tình chiêm ngưỡng mai, người dân trong xóm xin chiết cành về ghép với cây mai 5 cánh truyền thống ở nhà. "Sau khi chúng tôi ghép thành công, nhiều người thuận miệng đặt tên cho giống mai này là Thân Tình để phân biệt với mai truyền thống, cũng như tỏ lòng biết ơn đến chủ nhân cây mai", ông Đỗ Rô (59 tuổi, trưởng thôn Hòa Tân) nói.
Theo ông Đỗ Rô, người chơi mai rất dễ nhìn ra sự khác biệt, mai Thân, mai Tình với giống mai truyền thống bởi số lượng cánh nhiều hơn thấy rõ. Còn để phân biệt giữ mai Thân và mai Tình cũng rất đơn giản: Mai Tình to, màu sắc rực rỡ. Còn mai Thân cánh xoắn, dài, màu sắc rực hơn mai Tình và hoa có mùi thơm.
Vì sự đặc biệt này mà từ một vài người ghép thành công ban đầu, mai Thân, Tình được nhân giống ra cả xóm. Người trồng ít 5-10 cây, người nhiều lên đến hơn 200 cây, biến nơi đây thành "phủ phủ" mai của Quảng Ngãi. Trong 210 gia đình, có 200 nhà trồng mai với tổng số hơn 5.000 cây.
Sở hữu vườn mai hơn 20 cây mai Tình, ông Đoàn Thanh Hiền, ở xóm 4, cho biết trước đây cha ông lai ghép hơn 20 cây mai tình. Về sau, ai yêu thích và ngỏ ý xin thì gia đình gửi tặng nên chỉ còn 20 cây. Nhiều năm qua, mỗi Tết về sân nhà ông đều rực rỡ sắc vàng hoa mai, nhiều người ngỏ ý mua nhưng ông không bán.
Vì yêu hoa mai, nhiều người xóm 4 như ông Hiền không làm sân bêtông mà để đất trống cho mai thở, làm cho những ngôi nhà xóm 4 như một nơi lưu giữ kí ức xưa.
Danh tiếng của làng mai đã lan xa trong giới yêu hoa, nhiều người tận Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam lặn lội về đây chỉ để mua mai thân tình. Từ chỗ chỉ là thú vui ngày Tết, 15 năm qua mai thân tình đã đi khắp nơi với giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng một cây, mai lại kinh tế ổn định cho người dân.
"Năm 2020, dù Covid-19 nhưng tôi cũng bán mai được một tỷ đồng, dùng số tiền ấy xây nhà mới để làm món quà tặng vợ để đền đáp nửa đời lam lũ. Bà nhà thăm con ở Sài Gòn bị kẹt lại nhiều tháng vì dịch, khi về thấy nhà mới rất xúc động", ông Đỗ Rô nói. Rồi chủ vườn mai, kiêm trưởng thôn tiếc nuối, nói rằng dù giống mai mang lại "lộc" cho bà con xóm giềng, nhưng cây mai cổ thụ của bà Thân bà Tình đã không còn, con cháu cũng không theo nghề trồng mai.
Ông Trương Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cho biết, giống mai ở xã nổi tiếng không chỉ ở thôn Hòa Tân mà được nhân giống ra nhiều nơi trong tỉnh, có giá trị kinh tế và độ hiếm hơn nhiều giống mai khác, mang lại thu nhập lớn cho người dân. Một số năm cây có giá lên đến 1-1,5 tỷ đồng.
Hằng năm, địa phương thường tổ chức hội mai xuân, nhưng năm nay thời tiết xấu khiến một số cây mai nở sớm, một số nở muộn. "Năm tới hi vọng mai sẽ nở đúng ngày, chúng tôi mở lại hội mai xuân cho khách tham quan", ông Dũng nói.
Theo báo Vnexpress
https://vnexpress.net/lang-mai-vang-8-canh-o-quang-ngai-4561848.html