Lao động tại các doanh nghiệp tăng trở lại

Lao động tại các doanh nghiệp tăng trở lại

25/06/2024 | Tác giả: Nguyễn San Lượt xem: 122


Hiện nay, sau một thời gian ảm đạm, việc làm cho lao động tại các doanh nghiệp (DN) trong cả nước đã có những tín hiệu khởi sắc. Ở một số ngành, lĩnh vực như chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện hay cấp nước…, số lượng lao động đã tăng đáng kể. Với Thái Nguyên, những tháng đầu năm nay, số lao động làm việc trong các DN công nghiệp tăng nhẹ, khoảng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lao động tại các doanh nghiệp tăng trở lại
Sản xuất sản phẩm cơ khí xuất khẩu tại Công ty TNHH BIGL Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II). Ảnh: T.L

Năm 2022 và 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động, thị trường gặp khó khăn đã khiến nhiều DN buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc phá sản do thiếu đơn hàng. Nhất là các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử… bị tác động bởi giá cả đầu vào tăng cao, cộng với sự thay đổi tiêu chuẩn hàng hóa ở một số thị trường lớn nên buộc nhiều DN phải cắt giảm lao động.

Theo số liệu thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có tới trên 8.600 DN (chiếm 1% tổng số DN) phải cắt giảm lao động. Trong đó có khoảng 279.000 lao động thôi việc hoặc mất việc làm, trên 195.000 lao động phải giảm giờ làm.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, ở thời điểm tương tự, số lượng lao động trong các DN trên địa bàn cũng giảm đáng kể, đặc biệt là với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các DN phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên đều do khó khăn từ việc thiếu đơn hàng. Ví dụ như: Công ty TNHH Wiha Việt Nam có lúc phải cắt giảm gần 100 lao động, Công ty TNHH Young Jin Hi - Tech Việt Nam cũng đã phải cắt giảm khoảng 200 lao động… Một số công ty FDI lớn còn cho tạm ngừng việc hoặc giảm số giờ làm đối với hàng nghìn lao động.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, tình hình đã sáng sủa trở lại. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới dần phục hồi, tác động của đại dịch COVID-19 đã giảm rất nhiều, các ngành công nghiệp mũi nhọn đã được cởi nút do kết nối thị trường xuất khẩu ổn định hơn.

Tại Thái Nguyên, 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,01% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,7%; các ngành khác như: sản xuất phân phối điện, cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải đều tăng.  

Sự tăng trưởng trở lại của ngành Công nghiệp là nguyên nhân khiến lực lượng lao động tại các DN gia tăng. Báo cáo của Cục Thống kê Thái Nguyên cho thấy, 5 tháng qua, số lao động làm việc trong các DN công nghiệp của tỉnh tăng 0,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,6%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,4% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý nước thải, rác thải tăng 0,7%. Tính theo loại hình DN thì DN Nhà nước bị sụt giảm gần 2% nhưng khu vực DN ngoài Nhà nước và DN FDI đều tăng từ 2,4% đến 9,2%.

Nhận định của các chuyên gia cho thấy, từ nay đến cuối năm 2024, tình hình kinh tế tiếp tục khởi sắc song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ khi nhu cầu thị trường thế giới gia tăng. Ở thị trường trong nước, tình hình cũng được cải thiện rõ ràng, đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách đang dần phục hồi, các chế độ chính sách, an sinh xã hội đã và đang tạo sức mua lớn góp phần tăng trưởng kinh tế.

Dự báo, tình hình thu hút lao động tại các DN sẽ tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm nay. Bởi thế, hiện nay rất cần những định hướng về lao động, việc làm một cách bài bản, đầy đủ. Cần rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu lao động, nhất là đối với lao động trong các DN FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ… để có những kết nối cung cầu lao động, kết nối người sử dụng lao động với người lao động được tốt hơn. Mặt khác, cần tổ chức hướng nghiệp, phân luồng đào tạo lao động hợp lý để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN...

Theo báo Thái Nguyên

https://baothainguyen.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/202406/lao-dong-tai-cac-doanh-nghiep-tang-tro-lai-9de131c/


Chia sẻ trên

25/06/2024 | Tác giả: Chung An

TP. Thái Nguyên: Gắn mã QR biển tên tại 49 tuyến phố văn minh đô thị

Với mục tiêu cung cấp thông tin cho người dân, khách du lịch biết và hiểu về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, hướng đến kết nối thông tin đa chiều, TP. Thái Nguyên có kế hoạch triển khai gắn mã QR biển tên tại 49 tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn.

25/06/2024 | Tác giả: Minh Phương

TP. Sông Công: Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,7%

Ngày 12-3, tại Hội nghị thống nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, TP. Sông Công đề ra mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,7%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 41%; tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 1,8%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,26%, tỷ lệ hộ cận nghèo 0,12%...

25/06/2024 | Tác giả: Trần Nguyên

Chuyện sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử ở vùng cao

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa ổn định, thiết bị còn kém, nhiều đảng viên chưa sử dụng thành thạo điện thoại thông minh… là những hạn chế trong quá trình sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử (STĐVĐT) ở một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Võ Nhai. Mặc dù vậy, bằng hình thức “cầm tay” hướng dẫn, sau hơn 2 năm, toàn Đảng bộ huyện đã có chuyển biến tích cực.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...