Liên kết giảm nghèo từ làm hồng treo gió trên cao nguyên
07/11/2023 | Tác giả: Minh Nhương Lượt xem: 282
Bằng công nghệ hiện đại, hồng treo gió của HTX Trường Gia Phát, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã giúp nhiều thành viên nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả nhờ trực tiếp tham gia sản xuất tại xưởng hoặc liên kết cung cấp nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến theo chuỗi.
Bà Bùi Thị Kim Liên, Phó Giám đốc HTX Trường Gia Phát, cho biết thời điểm này, HTX đang tất bật chuẩn bị hàng phục vụ thị trường cuối năm nên mọi thành viên đều tất bật hơn trong mọi khâu nhằm không để sót đơn hàng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Làm giàu cho địa phương
Quả hồng là một trong những đặc sản của Đà Lạt và được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. Tuy nhiên, một thực trạng xảy ra là đến vụ thu hoạch, tình trạng quá tải đã làm mất giá trị của loại quả này và khiến người dân không nâng cao được thu nhập.
Để giải quyết bài toán cho quả hồng và giúp nông dân kéo dài thời gian bảo quản, HTX Trường Gia Phát đã dùng quả hồng để chế biến thành nhiều sản phẩm như: hồng treo gió, hồng sấy dẻo… Trước đây, người dân địa phương cũng thường sản xuất hồng khô bằng phương pháp sấy hồng truyền thống, tức là sấy hồng khô tự nhiên, giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, phương pháp này không thể đảm bảo chất lượng cao nhất khi sấy.
Chính vì vậy, các thành viên HTX đã ứng dụng và đầu tư chế biến hồng treo gió công nghệ Nhật Bản. Công nghệ sản phẩm được chuyển giao trực tiếp từ Nhật Bản. Theo đó, để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguyên liệu chế biến hồng treo gió là những quả hồng Đà Lạt được tuyển chọn kĩ lưỡng, được trồng theo hướng hữu cơ, sạch – tươi ngon và phải đạt độ chín nhất định. Hồng cũng được sấy qua bằng máy rồi mới đem treo trong nhà kính thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường tự nhiên như trước.
Trải qua nhiều công đoạn với thời gian trung bình từ 20-30 ngày, HTX đã biến những quả hồng vàng ươm căng mọng còn chát thành những quả hồng vỏ se khô mỏng dính, ruột đặc quánh, vị chát được thay bằng vị ngọt thanh, thơm nhẹ.
Để đảm bảo sản xuất hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, HTX đã mạnh dạn mở xưởng chế biến và đầu tư các máy móc với giá trị khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX đầu tư về mặt bao bì, dán nhãn sản phẩm. Hồng treo gió cũng được xử lý nhiệt để không bị mốc. Khu vực treo hồng đều được khử trùng nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo các thành viên, hồng khi chín có nhiều nước, khó bảo quản lâu, dễ bị dập khi vận chuyển đi xa nên việc chế biến thành sản phẩm mới giúp giải quyết được nhược điểm của loại quả này và nâng giá trị kinh tế.
Trung bình 7-8kg hồng tươi sẽ cho ra 1kg hồng treo gió nhưng giá trị kinh tế lại được nâng lên. Khi hồng tươi trượt giá chỉ bán được mức 2.000 đồng/kg thì nay riêng hồng tươi cung cấp cho HTX đã tăng lên 10.000-12.000 đồng/kg, thậm chí có năm giá hồng tươi đã lên đến 20.000 đồng/kg giúp người trồng hồng có thể thu về ít nhất 100 triệu đồng/ha.
Riêng tại xưởng sản xuất hồng treo gió của HTX, khi vào vụ đã giải quyết việc làm cho hàng chục người với các công việc từ vận chuyển, sơ chế, phân loại, gọt vỏ hồng..., từ đó giúp người lao động có thu nhập ổn định khoảng 7 - 16 triệu đồng/tháng.
Còn sản phẩm hồng treo gió đã có giá bán trung bình khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg. Lý giải giá hồng treo gió cao, bà Bùi Thị Kim Liên cho rằng thời gian làm ra sản phẩm khá lâu, khoảng 30 ngày do các công đoạn từ hái hồng phải không để dập nát, rửa hồng, gọt hồng, treo hồng… đều rất cẩn thận. Bởi nếu không cẩn thận, hồng rất dễ nhiễm khuẩn và bị hỏng. Vì tốn khá nhiều thời gian và công lao động nên tạo ra giá thành sản phẩm cao.
Bình quân mỗi tấn hồng khô sau khi trừ chi phí, HTX thu được khoảng 70- 80 triệu đồng. Vì vậy, sau mỗi vụ hồng, mỗi hộ thành viên HTX có thể thu được khoảng 150 -220 triệu đồng. Nghề chế biến hồng treo gió đã giúp bà con nơi đây nâng cao thu nhập, giảm nghèo và ổn định đời sống, đồng thời giúp phát triển cây hồng bền vững. Trung bình mỗi năm, HTX có thể thu mua, tiêu thụ khoảng 30-50 tấn hồng để phục vụ chế biến, giúp mở rộng đầu ra cho quả hồng địa phương.
Khẳng định vai trò mô hình kinh tế tập thể
Nếu như khi mới thành lập, HTX còn gặp những khó khăn nhất định trong đầu tư công nghệ, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, hoàn thiện sản phẩm thì nay, HTX đã hoạt động khá ổn định. Ngoài sản phẩm hồng treo gió, HTX còn sản xuất thêm hồng sấy để đa dạng sản phẩm.
Chia sẻ về những hiệu quả của mô hình sản xuất, các thành viên trong HTX đều cho rằng nếu thực hiện chế biến theo quy mô hộ gia đình thì quá nhỏ bé, không đủ về sản lượng, năng suất để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy, việc người dân cùng tham gia HTX Trường Gia Phát sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong mở rộng sản xuất cũng như quảng bá sản phẩm.
Từ khi HTX ra đời, sản phẩm của HTX không ngừng vươn xa. Ngoài lượng khách du lịch tìm đến tận HTX mua hàng và tham quan hàng năm, nhiều mối hàng ở Hà Nội, Sài Gòn đã liên hệ với HTX để phân phối sản phẩm.
Điều mà những thành viên HTX cảm thấy vui nhất là người dân không còn cảm thấy ghét bỏ hay khó khăn khi trồng hồng vì đã có đầu ra ổn định nhờ chế biến. Và đặc sản của địa phương cũng đã được khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Chính vì vậy mà thu đi đông tới, cái lạnh của Đà Lạt không làm cho vùng đất Trạm Hành thêm tĩnh lặng mà thay vào đó ai ai cũng thấy vui vì quả hồng đã giúp người dân có nguồn thu ổn định, giảm được nghèo và đặc biệt còn giúp cảnh sắc quê hương thêm tươi tắn. Những nhà lồng treo hồng tạo bức tranh hút mắt thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm, từ đó giúp bà con và thành viên HTX nâng cao giá trị kinh tế.
Nâng cấp chất lượng
Mong muốn của lãnh đạo HTX đó là tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất để phụ nữ và người dân địa phương có thêm nhiều việc làm, cũng như nâng cao giá trị của cây hồng Đà Lạt. Hiện, mặt hàng hồng sấy và hồng treo gió của HTX đã dần đạt tới chất lượng như ý, nhưng màu sắc của quả hồng vẫn còn là vấn đề khiến các thành trăn trở.
"So với màu hồng sấy của Nhật Bản, hồng Đà Lạt vẫn chưa ánh lên cái màu hồng bắt mắt. Sau mỗi mẻ sản xuất, tôi sẽ từng bước nghiên cứu và cải tiến việc sản xuất sao cho đạt hiệu quả cao nhất", bà Liên chia sẻ.
Bên cạnh đó, tùy vào đối tượng khách hàng, HTX cũng sẽ xem xét để sản xuất một cách phù hợp. Chẳng hạn có người thích ăn hồng nhiều mật, có người lại thích ăn hồng có lớp ngoài dai và dầy nên quá trình sản xuất cần có sự điều chỉnh nhất định để có sản phẩm ưng ý hút khách.
Để giải quyết được những khó khăn này, các thành viên HTX đang tiếp tục ứng dụng công nghệ, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở trong và ngoài nước, tham gia các khóa đào tạo sản xuất hồng treo gió, hồng sấy của các ngành chức năng để tự tìm hướng đi riêng cho chính mình. Một số thành viên cũng có ý định sang Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm tạo phấn cho quả hồng treo gió.
Đặc biệt, những năm trở lại đây, những nhà vườn sản xuất hồng treo gió chính là điểm tham quan, lưu niệm không thể thiếu của du khách khi đến với Đà Lạt. Vì vậy, HTX cũng đang tích cực hoàn thiện dịch vụ hạ tầng để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bởi khi khách đến tham quan cũng đồng nghĩa với việc quản lý vệ sinh phải chặt chẽ để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Theo Tạp chí Kinh Doanh
https://vnbusiness.vn/kinh-doanh-xanh/lien-ket-giam-ngheo-tu-lam-hong-treo-gio-tren-cao-nguyen-1096402.html