Lĩnh vực công nghệ thông minh tại Việt Nam thu hút doanh nghiệp Quảng Đông
23/09/2023 | Tác giả: Mai Ca Lượt xem: 250
Tại triển lãm công nghệ thông minh tại Việt Nam (OCTF 2023), các doanh nghiệp Quảng Đông (Trung Quốc) tham gia với mong muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Triển lãm công nghệ thông minh Việt Nam (OCTF 2023) đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp Việt và các nước xung quanh đến tham quan, mua sắm.
Sự kiện có quy mô hơn 200 gian hàng, 150 doanh nghiệp tham dự, trưng bày hơn 2.000 sản phẩm, bao gồm: Sản xuất thông minh, năng lượng mới, vật liệu mới, điện tử tiêu dùng, đồ điện gia dụng thông minh, chiếu sáng thông minh, nhà thông minh, thiết bị điện tử và các lĩnh vực khác. Đáng chú ý, trong số này có rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc và thế giới tham dự.
“Đây sẽ là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng để các doanh nghiệp, tổ chức giới thiệu hàng ngàn sản phẩm công nghệ tiên tiến, cao cấp nhất trong lĩnh vực công nghệ thông minh. Bộ Công Thương tin tưởng triển lãm sẽ mang đến cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam tiếp thu những công nghệ mới; tiếp cận với nguồn khách hàng tiềm năng và nguồn sản phẩm chất lượng cao; tìm hiểu, nắm bắt thông tin để tăng cường các cơ hội hợp tác đầu tư”- ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)- đánh giá.
Ghi nhận tại triển lãm cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ cao nghiên cứu phát triển sản xuất kinh doanh đến từ Trung Quốc như: Công ty TNHH Công nghệ Huake Chuangzhi Thâm Quyến mang đến màn hình cảm ứng LCD công nghệ nano bạc mới; Công ty TNHH Thiết bị điện Chaoyanghui Thâm Quyến kết hợp nhu cầu xây dựng của các khu công nghiệp, dự án điện của Việt Nam để mang đến các sản phẩm, giải pháp quang điện và lưu trữ năng lượng mới; hay Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Đổi mới Gaoju Thâm Quyến, với tư cách là nhà cung cấp hệ thống tạo máy bay không người lái trong nhà và ngoài trời hàng đầu thế giới, tham gia vào sản xuất chính xác cao cấp, trưng bày các thiết bị tiên tiến như máy bay không người lái, xe không người lái, cánh tay robot và robot dưới nước.
Đặc biệt, có rất nhiều doanh nghiệp Quảng Đông (Trung Quốc) cũng giới thiệu nhiều sản phẩm trí tuệ nhân tạo, bao gồm: thiết bị tự động hóa công nghiệp, hệ thống an ninh, hệ thống an toàn, máy dò, giải pháp và liên lạc mạng riêng, máy chiếu thông minh, loa Bluetooth, đồ dùng nhà bếp thông minh,...
Theo đại diện Công ty TNHH Triển lãm Quốc tế Quảng Triển Quảng Đông: Với việc Hiệp định RCEP có hiệu lực, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sẽ mở ra một thị trường rộng lớn hơn.
“Trước dịch bệnh, chúng tôi vốn rất lạc quan về tiềm năng thị trường Việt Nam. Lần này chúng tôi sẽ đưa các doanh nghiệp xuất sắc từ Quảng Đông đến tìm hiểu thị trường Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Quảng Đông kết nối với những cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại mới giữa Trung Quốc và Việt Nam theo khuôn khổ Hiệp định RCEP”- đại diện doanh nghiệp cho biết.
Ngoài ra, nhiều công ty lần đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam nên rất coi trọng việc tham gia triển lãm này, dự định tìm hiểu, mở rộng thị trường đã sớm triển khai và lập kế hoạch dài hạn. “Tôi sẽ tận dụng cơ hội triển lãm này để cùng ba thành viên nòng cốt ở lại trong một thời gian để tìm hiểu toàn diện thị trường Việt Nam và các chính sách hỗ trợ khác nhau để chuẩn bị cho việc thành lập nhà máy, phát triển sản phẩm phù hợp tại thị trường Việt Nam”- đại diện một doanh nghiệp Quảng Đông lần đầu tham gia triển lãm tại Việt Nam cho biết.
Theo báo Công thương
https://congthuong.vn/linh-vuc-cong-nghe-thong-minh-tai-viet-nam-thu-hut-doanh-nghiep-quang-dong-273725.html