Long An ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng liên thông, thúc đẩy kết nối vùng, “cửa sáng” cho thị trường địa ốc
24/09/2024 | Tác giả: Hạ Vy Lượt xem: 189
Ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có sức lan toả lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1003/QĐ-TTg ngày 19/09/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tỉnh Long An ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, liên thông, thúc đẩy kết nối giữa hai vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, phát triển hạ tầng nội vùng gắn với hai hành lang kinh tế (hành lang đường Vành đai 3, Vành đai 4 Tp.Hồ Chí Minh và hành lang phát triển phía Nam là đường tỉnh 827 E).
Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp, là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Tp.HCM và vùng Đông Nam Bộ; là đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh gồm công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp; năng lượng tái tạo.
Trong thời gian tới, tỉnh ưu tiên đẩy mạnh hạ tầng lưới điện; hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị để thu hút nguồn vốn tư nhân và nước ngoài.
Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Long An. Theo đó, tỉnh sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề, kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; có cơ chế chính sách thu hút lao động, nhất là lao động chất lượng cao; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc, sinh sống lâu dài.
Thực tế, suốt thời gian qua Long An nói riêng, khu Tây nói chung liên tục dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông. Trong năm 2024, tỉnh Long An được phân bổ 2.886 tỉ đồng để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào các dự án trọng điểm có tính chất kết nối liên kết vùng. Điều này tạo ra những hiệu ứng tích cực cho thị trường địa ốc, thu hút các ông lớn đổ về đầu tư dự án quy mô.
Cụ thể, dự án đường vành đai 3 Tp. HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Long An đã được khởi công từ tháng 6/2023, có chiều dài 6,84km. Điểm đầu tại ranh giới Tp.HCM - Long An, điểm cuối tại nút giao giữa đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, đi qua địa bàn huyện Bến Lức. Theo kế hoạch, đến tháng 10/2025, đoạn Vành đai 3 qua Long An sẽ được thông xe kỹ thuật và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2026.
Tuyến Vành đai 3 sau khi hoàn thành toàn tuyến sẽ có chiều dài hơn 75km, kết nối Long An với Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Tuyến đường này không chỉ có ý nghĩa kết nối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn mở ra nhiều không gian mới thúc đẩy phát triển logicstic, khu công nghiệp và các khu đô thị mới.
Bên cạnh đó, đường Lương Hòa - Bình Chánh đoạn qua Long An đã được khởi công và sẽ hoàn thành năm 2025. Đây là trục động lực thúc đẩy tỉnh phát triển, kết nối nhanh đến Tp.HCM và nhiều khu vực. Tuyến đường này khi hoàn thành đấu nối sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Bến Lức đến Tp.HCM còn 5 phút. Trong tương lai, từ đây còn có thể di chuyển nhanh vào loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia như Vành đai 3 Tp. HCM.
Ngoài ra, đường tỉnh 823D, đường tỉnh 830E đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công tạo kết nối liên vùng.
Bên cạnh hạ tầng, Long An quy hoạch và thực hiện thu hút đầu tư đối với danh mục gồm 27 dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2030, toàn tỉnh Long An sẽ có 51 khu công nghiệp với diện tích gần 12.500ha. Đồng thời, tỉnh cũng quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.800ha. Với số lượng trên, Long An trở thành địa phương đứng thứ 2 (sau Bình Dương) cả nước về diện tích các khu công nghiệp, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.
Từng nhận định về tác động của hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, kết nối giao thông thuận tiện đã kéo khoảng cách giữa Tp.HCM và vùng lân cận lại gần nhau. Từ đó thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm căn nhà thứ hai, tạo nên điểm sáng về giao dịch cho một số khu vực.
Theo ông Kiệt, kế hoạch đầu tư công của Chính phủ vào khu vực phía Nam rất nhiều, từ sân bay, đường vành đai đến các tuyến cao tốc. Các hạ tầng này sẽ tạo ra xu hướng xây dựng đô thị ly tâm phát triển, bởi hiện nay quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều, chi phí cao. Đây là cơ hội của Bình Dương, Long An, hay các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi của Tp.HCM lấy đà trong tương lai.
Dẫu vậy, vị chuyên gia này cho hay, thị trường bất động sản vẫn đang diễn ra quá trình thanh lọc. Nhà đầu tư cẩn trọng với các dự án chưa đủ pháp lý, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/long-an-uu-tien-dau-tu-cac-du-an-ha-tang-lien-thong-thuc-day-ket-noi-vung-cua-sang-cho-thi-truong-dia-oc-64361.html#google_vignette
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn