Lưu ý khi lựa chọn hoa quả nhập khẩu
20/12/2022 | Tác giả: Trường Thịnh Lượt xem: 212
Trong thời điểm cuối năm với nhu cầu mua sắm cho các dịp lễ Tết tăng cao, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức và nhận biết hàng thật, hàng giả để mua được hàng hóa chất lượng tốt.
Trái cây nhập khẩu từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ,… có tem chứng minh nguồn gốc xuất xứ, một số loại trái cây Trung Quốc cũng dễ dàng có "tem bảo hành" để ngụy trang. Hoa quả nhập nhằng về xuất xứ còn có nguy cơ được "thổi giá" để lừa người tiêu dùng. Lựa chọn trái cây ngoại trên thị trường hiện nay, nhiều khách hàng như đang lạc vào ma trận, có thể mua phải hàng hóa kém chất lượng với giá đắt.
So với hoa quả nhập khẩu chính ngạch, có đầy đủ giấy tờ về kiểm soát chất lượng, thì hoa quả không rõ nguồn gốc còn có nguy cơ được bảo quản bằng hóa chất cấm có hại cho sức khỏe. Trái cây sau khi được bảo quản bằng những hóa chất này thì quá trình lão hóa sẽ chậm lại, giúp tươi lâu, giữ nguyên vẻ ngoài bóng mượt, nịnh mắt người mua hàng. Hơn nữa, việc phân biệt trái cây nhập khẩu tự nhiên với những loại được bảo quản bằng hóa chất rất khó. Các biện pháp để phòng như rửa kỹ bằng nước sạch hoặc ngâm nước muối cũng không có tác dụng, vì những loại hóa chất này theo thời gian đã ngấm sâu vào ruột trái cây.
Hiện nay, trong các loại hoa quả nhập khẩu đang tiêu thụ trên thị trường, lê Hàn Quốc là một trong những loại quả bị "nhái" nhiều.
Theo chia sẻ của một số người kinh doanh hoa quả nhập khẩu lâu năm, khác với loại lê được nhập khẩu trực tiếp vào từ Hàn Quốc vào Việt Nam, loại lê "nhái" cho dù giống lê Hàn Quốc về ngoại hình, nhưng có một số lại được trồng và thu hoạch tại Trung Quốc.
Đại diện 1 đơn vị xuất khẩu lê Hàn Quốc cho biết, cách phân biệt rất dễ dàng. Người tiêu dùng khi mua hàng chỉ cần quét mã QR code trên mỗi quả lê. Nếu quả nào mà không có mã quét hoặc quét không ra thông tin của đơn vị xuất khẩu, hoặc nhà sản xuất thì không phải là lê Hàn Quốc. Hơn nữa, trên tem mác của lê Hàn Quốc nhập khẩu chính ngạch sẽ có dòng chữ "Product of Korea" hoặc "Produce of Korea"; còn những loại lê nhái Hàn Quốc thì sẽ chỉ có chữ bằng tiếng Hàn mà không có dòng chữ như trên.
Người tiêu dùng quét mã QR code trên mỗi quả lê để nhận diện xem có phải đó là lê Hàn Quốc (Ảnh: Hiệp hội xuất khẩu lê Hàn Quốc).
Lê Hàn Quốc là loại hoa quả thơm ngon, giàu dinh dưỡng và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tại một số nông trại lê của Hàn Quốc, những trái lê được lựa chọn cẩn thận, có nơi dùng nguồn nước sạch và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt bởi hệ thống trồng hiện đại nhất.
Lê tại một số nông trại được lựa chọn bằng hệ thống quản lý về kích thước, trọng lượng, hàm lượng đường… và trước khi xuất kho sẽ được kiểm tra lại một lần nữa trước khi đến tay người tiêu dùng. Một số lê Hàn Quốc khi xuất khẩu sang Việt Nam được trồng tại nông trại đã đạt chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp sản xuất tốt toàn cầu Global GAP (Good Agricultural Practice).
Theo đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng, hiện nay người mua hàng đang bị "thiệt đơn, thiệt kép" khi mua phải trái cây không rõ nguồn gốc gắn mác trái cây nhập khẩu, chất lượng không được đảm bảo mà họ lại phải trả tiền cao hơn gấp nhiều lần, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Ngoài ra theo quy định về ghi nhãn hàng hóa, trái cây nhập khẩu phải có tem chính và tem phụ bằng tiếng Việt trên bao bì sản phẩm. Trường hợp cần thiết, người mua hàng cũng có thể yêu cầu chủ cửa hàng cho xem các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của hoa quả nhập khẩu.
Theo báo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/luu-y-khi-lua-chon-hoa-qua-nhap-khau-20221220095659094.htm