Lý do kinh tế Bình Thuận tăng trưởng thần tốc
27/01/2024 | Tác giả: HẠNH CHÂU Lượt xem: 216
Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bình Thuận tăng đến 8,1% so với năm trước. Động lực tăng trưởng chính là khu vực dịch vụ, công nghiệp xây dựng.
Chiều 22/1, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội .
Báo cáo tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Hải Tùng - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết, GRDP vượt kế hoạch khi tăng 8,1%, trong đó ngành nông - lâm - thủy sản tăng 3,31%, công nghiệp xây dựng tăng 6,55%, dịch vụ tăng 14,37%.
Đáng chú ý, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 40.610 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2022. Năm 2023, Bình Thuận đã chấp thuận dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư 31.434 tỷ đồng, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ 2 với tổng quy mô sử dụng đất hơn 468 ha.
Hoạt động du lịch của Bình Thuận diễn ra sôi động, nhất là khi đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và tổ chức thành công lễ khai mạc và các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2023. Nhờ đó, Bình Thuận đón 8,35 triệu lượt khách (tăng gần 46% so với năm 2022), doanh thu du lịch năm 2023 đạt 22.300 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2022).
Công tác đầu tư công được tập trung chỉ đạo nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn , nhất là các dự án trọng điểm như đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà, đoạn Hòn Lan - Tân Hải), đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ quốc lộ 1A đến đường ĐT.719B), cầu Văn Thánh. Đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 76,41% so với số vốn kế hoạch năm 2023.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về GRDP vượt kế hoạch, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận Phạm Quốc Hùng cho biết, động lực tăng trưởng chính trong 2023 là khu vực dịch vụ, công nghiệp xây dựng. Trong đó, ngành du lịch tăng trưởng mạnh, kéo theo vui chơi giải trí, vận tải và thúc đẩy sức mua tăng cao.
Về động lực tăng trưởng của Bình Thuận cho năm nay, ông Hùng nói sẽ đến từ công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, du lịch, công nghiệp xây dựng. Do đó, kế hoạch GRDP của Bình Thuận năm 2024 (tăng 8 - 8,5%) là khả thi.
Năm nay, Bình Thuận sẽ thực hiện các giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế , thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là 3 trụ cột công nghiệp - du lịch - nông nghiệp.
Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/vi-sao-du-an-nha-ga-san-bay-phan-thiet-chua-the-dau-thau-post1607093.tpo