Lý Nhân thực hiện tiêu úng theo 3 cấp bảo vệ sản xuất nông nghiệp
10/07/2024 | Tác giả: Mạnh Hùng Lượt xem: 144
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Lý Nhân luôn duy trì hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng theo hướng hàng hóa. Trong đó, diện tích vụ đông trên đất lúa đạt gần 1.400 ha, với nhiều vùng sản xuất cây hàng hóa giá trị cao tập trung, như: Dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ngô nếp, ngô ngọt… Để bảo đảm sản xuất hiệu quả, huyện luôn chủ động xây dựng và triển khai các biện pháp tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra.
Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Lý Nhân cho biết: Phòng chống úng ngập được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng trong mùa mưa, bão, lũ. Trên địa bàn hình thành quy trình tiêu úng từ trực tiếp người dân đến hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và hệ thống thủy lợi nhà nước. Mỗi khi có mưa lớn xảy ra việc tiêu úng sẽ được chủ động thực hiện ngay từ mỗi thửa ruộng, cánh đồng… Vào những đợt mưa lớn gây ngập úng, đi dọc các vùng sản xuất nông nghiệp của huyện, hàng trăm máy bơm các loại đồng loạt hoạt động tiêu nước. Người dân chủ động khoanh vùng thửa ruộng của gia đình đặt máy bơm tiêu nước ra kênh.
Tìm hiểu tại những vùng chuyên trồng cây hàng hóa trên đất lúa như ở các xã: Trần Hưng Đạo, Nhân Mỹ, Nhân Nghĩa, Chân Lý, Bắc Lý… mỗi nơi có cả nghìn máy bơm, bình quân mỗi hộ sản xuất tự sắm ít nhất 1 máy bơm dầu hoặc máy bơm điện cá nhân, người dân các vùng sản xuất chia sẻ: Chủ động tiêu úng từ mỗi cá nhân giúp việc tiêu thoát nước trên đồng ruộng được nhanh và kịp thời hơn. Qua các đợt mưa lớn cho thấy, đa phần diện tích sản xuất được ứng cứu kịp thời khi khoanh vùng tiêu úng cục bộ trên từng thửa ruộng.
Để bảo đảm tốt việc tiêu úng phục vụ sản xuất, các HTXNN ở Lý Nhân đều chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp tiêu úng cho mùa vụ. Từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước và phí thủy nông mặt ruộng hằng năm, các HTXNN tổ chức nạo vét, giải tỏa khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương kết hợp với sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm bảo đảm tốt nhất năng lực phục vụ. Bên cạnh đó trong phương án dự phòng, hằng năm, các HTXNN trong huyện cũng đều chuẩn bị máy bơm điện dã chiến để chủ động cho việc tiêu úng khi cần thiết.
Tại HTXNN Nhân Nghĩa, nơi duy trì sản xuất cây hàng hóa trên đất lúa cả 3 vụ trong năm (vụ xuân, hè thu và vụ đông) việc chủ động tiêu úng được coi trọng. Mỗi năm, tổng khối lượng đào đắp thủy lợi trên địa bàn hơn 5.000 m3 đất. Trước các đợt được dự báo mưa lớn HTXNN Nhân Nghĩa đều kiểm tra toàn bộ hệ thống kênh mương giải tỏa những đoạn tuyến bị ách tắc dòng chảy…
Để phục vụ tiêu úng được thuận lợi, HTX đầu tư xây dựng đường điện ra tận các cánh đồng cung cấp cho máy bơm hoạt động. Mỗi thôn đội sản xuất đều có máy bơm điện dã chiến để thực hiện việc tiêu úng theo 3 cấp. Theo đó, người dân tiêu nước ở ruộng ra kênh trục chính, thôn đội tiếp tục bơm ra kênh tiêu của hệ thống thủy lợi, HTX bơm tiếp ra sông Châu. Theo ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTXNN Nhân Nghĩa, việc tiêu úng sản xuất tại địa phương được thực hiện cộng đồng trách nhiệm giữa người dân, thôn đội sản xuất và HTX. Nhiệm vụ được phân rõ tạo sự đồng bộ trong các khâu, với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây trồng…
Đối với hệ thống thủy lợi chung, huyện Lý Nhân luôn quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng tốt nhất nhu cầu phục vụ sản xuất. Riêng năm 2023, huyện Lý Nhân tiếp tục lồng ghép các nguồn lực cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi trên địa bàn. Trong đó, chú trọng nâng cấp các kênh tiêu chính bảo đảm tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nói riêng và dân sinh nói chung.
Cụ thể, huyện đã cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa kênh CG2, CG4, kênh SL23… Đồng thời, đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam xây dựng, sửa chữa, tu bổ, nạo vét các kênh: C1, C2, C3, CG18, cống luồn trên kênh T6 qua kênh C2 và một số công trình khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, hệ thống thủy lợi phục vụ tiêu úng trên địa bàn huyện Lý Nhân vẫn còn hạn chế. Theo đó, một số kênh tiêu bị bồi lắng cần nạo vét như kênh: T4, CG6 (đoạn từ cống Tàu ra sông Châu Giang),... Các kênh CG4, CG8 (khu vực trường tiểu học xã Nhân Bình), T19 (khu vực xã Đức Lý), CG4d-6,... nhiều đoạn bờ kênh nhỏ, xuống cấp, trượt sạt. Trên hệ thống kênh tiêu tuy đã được quan tâm xử lý, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rác gây ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước…
Ở một số địa phương việc tiêu úng gặp nhiều khó khăn do có sự thay đổi hệ thống hạ tầng giao thông; tốc độ phát triển nhanh của các khu công nghiệp, khu đô thị làm ảnh hưởng chia cắt hệ thống công trình thủy lợi hiện có. Cùng với đó, một số hạng mục công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ lâu đã xuống cấp không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thoát nước hiện nay (hệ số tiêu tăng do thay đổi cơ cấu sử dụng đất)…
Theo dự báo, tình hình mưa úng hiện nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Khả năng xuất hiện những đợt mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn dễ gây ra ngập úng. Việc chủ động các biện pháp tiêu úng giúp Lý Nhân bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, nâng cao giá trị, hiệu quả trên diện tích canh tác.
Theo báo Hà Nam
https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/ly-nhan-thuc-hien-tieu-ung-theo-3-cap-bao-ve-san-xuat-nong-nghiep-126549.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn