Mặt hàng mới nổi của Việt Nam được Campuchia, Hàn Quốc đua nhau săn đón: Thu về hơn nửa tỷ USD/năm, trở thành cứu tinh của nông sản châu Á
19/01/2024 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 221
Riêng tháng 12, xuất khẩu mặt hàng này chứng kiến mức tăng trưởng gần 100%.
Việt Nam sở hữu một mặt hàng rất được Campuchia săn đón là phân bón - được mệnh danh là vị cứu tinh cho các mặt hàng nông sản. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của Việt Nam trong tháng 12 đạt 162.921 tấn, thu về 71,41 triệu USD tăng 93,5% về khối lượng, tăng 90,4% kim ngạch.
Lũy kế cả năm 2023, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,55 triệu tấn và thu về hơn 648 triệu USD, tuy nhiên giảm 11,7% về lượng và giảm 40,7% về kim ngạch so với năm 2022.
Đáng nói trong năm 2023 giá xuất khẩu phân bón giảm mạnh so với cùng kỳ, đạt 420 USD/tấn, tương ứng mức giảm 33%.
Phân bón Việt Nam hút khách hàng Campuchia khi quốc gia này liên tục là nhà nhập khẩu lớn nhất. Trong năm 2023, xuất khẩu phân bón sang láng giềng thu về hơn 246 triệu USD với 548.929 tấn, tăng mạnh 21% về lượng nhưng giảm nhẹ 3% về kim ngạch.
Giá xuất khẩu đạt 421 USD/tấn, giảm 20% so với năm trước.
Phân bón Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường châu Á. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2 của ngành phân bón Việt Nam với sản lượng xuất khẩu năm 2023 đạt 89.297 tấn, tương đương 35,03 triệu USD, tăng 0,12% về lượng, giảm 46,8% kim ngạch. Giá trung bình đạt 392,3 USD/tấn, giảm 46,6%.
Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 97.250 tấn, tương đương 33,78 triệu USD, giảm mạnh 22,8% về lượng và giảm 48,3% kim ngạch. Giá trung bình đạt 347,3 USD/tấn, giảm 33%.
Tổ chức Global Nutrient Use Efficiency (NUE) dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trung bình nhu cầu tiêu thụ đối với cả 3 loại phân (N + P2O5 + K2O) trong năm 2024 chỉ đạt khoảng 1,8%, sau khi chứng kiến mức tăng 4% trong năm 2023.
Cơ cấu đến năm 2027, nhu cầu tiêu thụ phân Nitrogen dự kiến đạt 115 triệu tấn (chiếm khoảng 56% cơ cấu). Trong thời gian tới, giá lương thực toàn cầu được dự báo tăng sẽ dẫn tới việc mở rộng hoạt động gieo trồng cây lương thực trong vụ Đông Xuân sắp tới, kéo theo nhu cầu về phân bón, đặc biệt là urê tăng cao.
Theo Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA), giá phân bón thế giới được dự báo tăng trong quý 1/2024, đặc biệt là chủng loại dẫn dắt thị trường là đạm ure. Nguồn cung phân bón được dự báo sẽ ngày càng thắt chặt, do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm 2024 tăng nhẹ so với các năm trước.
Trong báo cáo triển vọng 2024, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá phân bón thế giới năm 2024 được có thể tăng nhẹ so với năm 2023.
Nguyên nhân bắt nguồn từ những động thái hạn chế xuất khẩu của các “ông lớn” trên thị trường phân bón thế giới. Theo đó, quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu) là Nga đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5 để bảo vệ thị trường nội địa. Trung Quốc cũng tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/mat-hang-moi-noi-cua-viet-nam-duoc-campuchia-han-quoc-dua-nhau-san-don-thu-ve-hon-nua-ty-usd-nam-tro-thanh-cuu-tinh-cua-nong-san-chau-a-50492.html