Mặt hàng này của Việt Nam được lòng những thị trường khó tính hàng đầu thế giới, xuất khẩu tăng đột biến 3 chữ số ở nhiều quốc gia dù giá không hề rẻ
12/10/2023 | Tác giả: Khánh Vy Lượt xem: 300
Giá xuất khẩu mặt hàng này đã tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 9 có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn tăng nóng. Cụ thể trong tháng 9/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 605.410 tấn với kim ngạch hơn 377 triệu USD, giảm 34,3% về lượng và giảm 30,9% về trị giá so với tháng 9/2023.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 6,4 triệu tấn, thu về hơn 3,5 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm đạt 551,5 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU liên tục tăng trưởng ở mức 3 con số. Giá xuất khẩu sang các thị trường này cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Trong số đó phải kể đến Bỉ.
Cụ thể trong tháng 9/2023, nước ta xuất khẩu 96 tấn gạo sang Bỉ và thu về hơn 75,5 nghìn USD, tăng 128,5% về sản lượng và tăng 107,7% về trị giá so với tháng 9/2022. Trong tháng 9, giá xuất khẩu sang thị trường này lên tới 787 USD/tấn, cao hơn mặt bằng chung của thị trường trong tháng là 409 USD/tấn.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 4.440 tấn với kim ngạch hơn 2,4 triệu USD, tăng mạnh 348% về lượng và tăng 306% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh Bỉ, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng liên tục chi tiền nhập khẩu gạo của Việt Nam với mức tăng trưởng 3 chữ số như Ba Lan (140,5%), Tây Ban Nha (164,2%), Thổ Nhĩ Kỳ (11.900%),...
Nguyên nhân khiến nhiều nước châu Âu như Bỉ tăng nhập gạo Việt Nam được cho là do hiện tượng El Nino xuất hiện, buộc nhiều quốc gia tăng mua gạo để dự trữ. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có cho gạo Việt. Nhờ những ưu đãi về thuế quan, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu (EU) được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực.
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.
Theo Bộ Công thương, xuất gạo sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại rất cao do 27 nước EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam. Đây là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan để hưởng thuế 0% mà EU dành cho Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng mạnh, đạt 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định EVFTA.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, Tập đoàn Lộc Trời đang tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đã nhận các đơn hàng xuất khẩu lên tới 400.000 tấn gạo sang thị trường EU trong năm 2023. Hiện, gạo Lộc Trời thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã vào hệ thống siêu thị EU và được bán với mức giá 12,9 EUR/5kg (túi), tương đương ngưỡng 2.000 USD/tấn.
Vào tháng 2, Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) đã xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên sang thị trường EU với giá 1.800 USD/tấn.
Kết quả này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của EVFTA và các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/mat-hang-nay-cua-viet-nam-duoc-long-nhung-thi-truong-kho-tinh-hang-dau-the-gioi-xuat-khau-tang-dot-bien-3-chu-so-o-nhieu-quoc-gia-du-gia-khong-he-re-44523.html