Mặt hàng này từ Nga liên tục đổ bộ Việt Nam với giá rẻ cực hấp dẫn, Việt Nam chớp cơ hội 'vàng' chi hàng trăm triệu USD gom hàng
25/01/2024 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 232
Việt Nam cực kỳ được lợi khi giá mặt hàng này nhập khẩu từ Nga giảm đến 36% so với năm 2022.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón trong năm 2023 đạt gần 4,12 triệu tấn với trị giá đạt hơn 1,41 tỷ USD, tăng 21,3% về khối lượng nhưng giảm 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân đạt 343 USD/tấn, giảm 28% so với năm 2022.
Xét về các thị trường, Trung Quốc vẫn giữ vị trí nhà cung cấp phân bón lớn nhất của Việt Nam với hơn 2,4 triệu tấn trong năm vừa qua, tương đương hơn 662 triệu USD, tăng 19% về lượng nhưng giảm 9,3% về kim ngạch. Giá nhập khẩu bình quân đạt 325 USD/tấn, giảm 24% so với năm 2022.
Nga là thị trường lớn thứ 2 cung cấp phân bón cho Việt Nam trong năm 2023. Đáng chú ý nhập khẩu đang tăng vọt trong những tháng cuối năm 2023 sau khi phá kỷ lục hơn 100.000 tấn trong tháng 8/2023. Cụ thể trong tháng 12/2023, nước ta đã nhập khẩu từ Nga 56.489 tấn phân bón, tương đương trị giá hơn 23,4 triệu USD, tăng 76% về lượng và tăng 60% về trị giá so với tháng 11. Tính chung cả năm 2023, nước ta chi hơn 132,1 triệu USD nhập khẩu phân bón từ Nga với 288.727 tấn, tăng 2,5% về lượng nhưng giảm 35% về kim ngạch so với năm 2022.
Đáng nói giá nhập khẩu từ Nga đang hấp dẫn bậc nhất trong số các thị trường cung cấp với bình quân 457 USD/tấn, giảm 37% so với năm trước. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 3 triệu tấn phân bón từ 51 quốc gia, trong đó nhập khẩu phân bón từ Nga về Việt Nam đạt 281.645 tấn, tương đương 202,99 triệu USD và tăng mạnh 91,4% về giá so với năm 2021.
Bên cạnh 2 nhà cung cấp lớn là Trung Quốc và Nga, nước ta còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường như Lào, Hàn Quốc, Indonesia, Canada,...tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng dưới 5%.
Nga đang tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động xuất khẩu phân bón với việc đánh giá khả năng thành lập một công ty thương mại thống nhất để xuất khẩu phân bón. Các nhà xuất khẩu phân bón của Nga sẽ được hợp nhất thành một thực thể, điều này sẽ giúp Nga có nhiều ảnh hưởng hơn trong thị trường toàn cầu, đồng thời Chính phủ sẽ giành được nhiều quyền kiểm soát hơn đối với doanh thu xuất khẩu phân bón. Hiện sản lượng phân bón trung bình hàng năm của Nga ở mức 55 triệu tấn.
Theo nhận định của Hiệp hội phân bón quốc tế (IFA) với khoảng 480 thành viên đến từ hơn 80 nước trên thế giới, giá phân ure thế giới sẽ tăng trong Q1/2024 do Nga (quốc gia sản xuất ure lớn thứ hai thế giới - chiếm 14% thị trường xuất khẩu toàn cầu) tiếp tục chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa. Trong khi đó sản xuất ure ở châu Âu dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp do giá thành sản xuất ure ở khu vực này cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu ure từ Ai Cập.
Tại thị trường trong nước, giá phân bón nội địa được dự báo sẽ tương quan với thị trường quốc tế. Giá ure có khả năng sẽ tăng cao trong quý 1 bởi vụ Đông Xuân năm nay bắt đầu chậm hơn so với các năm trước và đây sẽ là thời điểm nhu cầu tăng cao kéo theo giá tăng.
Theo khảo sát, giá các loại phân bón trong nước thời điểm đầu tháng 1/2023 như sau: phân ure khu vực Tây Nam Bộ giữ mức 620.000 – 650.000 đồng/bao. Ure Phú Mỹ 5850.000 – 635.000 đồng/bao. Giá phân DAP Hồng Hà 980.000 – 1.030.000 đồng/bao. Phân DAP Đình Vũ hiện có giá 750.000 – 790.000 đồng/bao.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/mat-hang-nay-tu-nga-lien-tuc-do-bo-viet-nam-voi-gia-re-cuc-hap-dan-viet-nam-chop-co-hoi-vang-chi-hang-tram-trieu-usd-gom-hang-50708.html