Mở ‘lối ra’ vững chắc cho ngành hàng trứng gia cầm giữa lúc giá giảm
04/04/2024 | Tác giả: Thế Vinh Lượt xem: 194
Giữa bối cảnh sức tiêu thụ còn hạn chế, giá bán sụt giảm, nông hộ chăn nuôi thua lỗ, việc mở “lối ra” vững chắc cho ngành hàng trứng gia cầm nhằm đảm bảo có lợi nhuận, không phải đối mặt với khó khăn thường xuyên là rất quan trọng. Điều này đang rất cần nhiều giải pháp đồng bộ và căn cơ được thực hiện từ phía nông hộ, chủ trang trại, các hợp tác xã, doanh nghiệp cho đến khâu hoạch định chính sách.
Ghi nhận thị trường trứng gà tại các tỉnh thành trên cả nước vào ngày 20/3 cho thấy đang ổn định ở mức giá từ 1.700 – 2.400 đồng/trứng. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số chợ truyền thống ở Tp.HCM đã xuất hiện những điểm rao bán trứng gà với giá chỉ 45.000 đồng cho một vỉ 30 trứng (trứng gà đỏ loại nhỏ), như vậy giá mỗi trứng gà chỉ là 1.500 đồng.
Vì đâu giá giảm?
Tình trạng giá trứng giảm cũng tương tự ở một số địa phương ở phía Bắc như…với giá giảm xuống ở mức 1.700-1.800 đồng/quả, thậm chí có lúc rớt mạnh còn 1.500 đồng/trứng. Như tại Hải Dương, mức giá các loại trứng trong trung tuần tháng 3/2023 giảm từ 7.000-10.000 đồng/chục quả so với giữa tháng 2/2024. Còn ở Hà Nội lại có các điểm “giải cứu” trứng gà giá rẻ.
Thực tế cho thấy giá trứng gia cầm có xu hướng giảm trong hơn 3 tháng trở lại đây và chưa dấu hiệu tăng trở lại. Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp (DN) trong ngành trứng gia cầm, nguyên nhân giá trứng giảm là do thị trường tiêu thụ chững lại và thu hẹp đáng kể do công nhân thất nghiệp nhiều, các bếp ăn tập thể thu hẹp quy mô và bắt đầu kén chọn nhiều hơn.
Bên cạnh đó, trứng gia cầm chủ yếu cung cấp cho các công ty sản xuất bánh kẹo. Thế nhưng sau Tết, các công ty này chủ yếu đang bán hàng tồn kho, vẫn chưa tăng tốc sản xuất nên chưa thể thu mua nguyên liệu trứng. Với các chợ, đầu ra của trứng gia cầm cũng đìu hiu do nguồn tiêu thụ lớn từ các quán ăn, quán nhậu chỉ lấy hàng cầm chừng vì quán ế ẩm, còn nguồn tiêu thụ trứng là các hộ gia đình chỉ mua ở mức độ vừa phải.
Trong khi đó, do giá giảm mạnh, đầu ra khó khăn nên nhiều nông hộ chăn nuôi trứng gà đang rơi vào tình cảnh thua lỗ. Ông Vân, một chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng ở huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết với mức giá thương lái thu mua hiện tại dưới mức 1.500 đồng/trứng khiến cho ông lỗ nặng.
Như chia sẻ của ông Vân, thức ăn chăn nuôi là chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất trứng gà. Mặc dù trong thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng giảm nhưng giá thành trứng vẫn còn cao, nên khi giá đầu ra giảm mạnh làm cho các trang trại phải gánh lỗ.
Dựa trên nguồn cung hiện đang dồi dào (năm 2023, sản lượng trứng gà của Việt Nam đạt khoảng 15 tỷ trứng, tăng 10% so với năm 2022 và dự kiến, sản lượng trứng gà của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 và những năm tiếp theo), trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước còn hạn chế và ít có biến động, giới phân tích dự báo giá trứng gà trong thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định hoặc có xu hướng giảm nhẹ.
Trong câu chuyện giá trứng giảm do sức tiêu thụ yếu thì một vấn đề cũng được đặt ra là làm thế nào mở “lối ra” vững chắc cho ngành trứng gia cầm của Việt Nam trong thời gian tới để các nông hộ và DN trong ngành hàng này đảm bảo có lợi nhuận, không phải đối mặt với khó khăn thường xuyên.
Chẳng hạn như việc xuất khẩu (XK) trứng gia cầm. Dữ liệu cho thấy hồi năm 2023 Việt Nam xuất hơn 34 triệu quả, tăng hơn 3,1 lần so với năm 2022. Tuy vậy, lượng trứng gia cầm XK mới chỉ chiếm 1% sản lượng sản xuất (19,2 tỷ trứng), còn lại chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.
Nói về việc XK trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc CTCP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, từng bày tỏ băn khoăn là do từng xảy ra dịch cúm gia cầm nên nhiều nước trên thế giới rất cẩn trọng với mặt hàng trứng gia cầm của Việt Nam.
Chờ những giải pháp đồng bộ
Theo ông Thiện, hoạt động XK trứng tươi rất khó khăn do giá thành trứng tươi tại Việt Nam cao, quá trình vận chuyển, bảo quản rất khó khăn. Cho nên bản thân công ty tập trung vào trứng chế biến trứng lỏng thanh trùng, trứng vịt muối, trứng ăn liền…XK sang Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Ngoài ra, sau khi được cấp mã vạch thì công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn trong tiếp cận thị trường Hàn Quốc, việc còn lại là tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở thị trường XK.
Giới chuyên gia cho rằng để gia tăng XK trứng gia cầm trên thị trường thế giới, ngoài việc thúc đẩy đàm phán ở thị trường nhập khẩu (như hồi tháng 11/2023 Bộ NN&PTNT đã đàm phán xong việc xuất khẩu trứng gia cầm sang Mông Cổ) thì việc phát triển mạnh các DN có tiềm năng XK trứng, cùng tham gia xây dựng thương hiệu quốc gia cho mặt hàng này là rất quan trọng. Bởi lẽ, số DN xuất khẩu trứng của Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mặt khác, để đưa XK trứng lên “nấc thang mới” đang cần ngành hàng trứng gia cầm cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với thị trường XK, kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhất là thực hiện quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu về kháng sinh, vi sinh…
Để ngành hàng trứng gia cầm có “lối ra” vững chắc không chỉ ở thị trường XK mà ngay trên thị trường nội địa thì cũng không thể thiếu vai trò của khâu chính sách, để làm sao vừa không gây khó, tháo gỡ bất cập, vừa tạo được lợi thế cạnh tranh.
Chính vì vậy, trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, vào trung tuần tháng 3/2024, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam và một số hiệp hội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về các lĩnh vực như sau: Bỏ quy định công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; áp dụng đồng loạt việc không tính thuế Giá trị gia tăng với các sản phẩm chăn nuôi đang ở dạng sơ chế bảo quản; kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Nhân đang có dự thảo luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), cũng nên nhắc đến bất cập trong quy định tại Khoản 1 Điều 1 luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi năm 2016. Theo phản ánh của các hiệp hội trong ngành chăn nuôi, theo quy định này, thì các sản phẩm chăn nuôi, như trứng gia cầm được làm sạch, đóng gói, nếu do các DN, HTX mua bán, trao đổi với nhau thì được miễn thuế Giá trị gia tăng 5%, nhưng nếu các DN, HTX sản xuất, kinh doanh bán mặt hàng này cho người dân, hộ kinh doanh cá thể thì phải mất thuế 5%. Quy định này đang gây rất nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ.
Nói chung, để mở “lối ra” vững chắc cho ngành hàng trứng gia cầm đang rất cần nhiều giải pháp đồng bộ và căn cơ được thực hiện từ phía nông hộ, chủ trang trại, các HTX, DN cho đến khâu hoạch định chính sách. Đặc biệt, để giảm thiểu rủi ro khi giá đầu ra sụt giảm thì cần phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm một cách chặt chẽ và ổn định.
Theo Công nghiệp & Tiêu dùng
http://www.congnghieptieudung.vn/mo-loi-ra-vung-chac-cho-nganh-hang-trung-gia-cam-giua-luc-gia-giam-dt46076
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn