"Mỏ vàng" giúp Việt Nam hốt bạc từ Á sang Âu: Thu về hơn 211.000 tỷ đồng chỉ trong 10 tháng
13/11/2024 | Tác giả: Pha Lê Lượt xem: 46
Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này, kế hoạch của Việt Nam đối với ngành kinh tế này chắc chắn sẽ đạt được.
Theo thông tin từ Tổng Cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 10/2024 của Việt Nam ước đạt 870,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, sản lượng cá ước đạt 610,0 nghìn tấn (tăng 2,2%), tôm ước đạt 144,3 nghìn tấn (tăng 7,7%), thủy sản khác ước đạt 116,4 nghìn tấn (giảm 0,9%).
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 10 ước đạt 567,7 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 10 ước đạt 303,0 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản của Việt Nam ước đạt 7.889,8 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 4.612,5 nghìn tấn (tăng 3,8%), sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 3.277,3 nghìn tấn (tăng 0,6%).
Trong cơ cấu thủy sản, cá đạt 5.528,3 nghìn tấn (tăng 2,3%), tôm đạt 1.226,0 nghìn tấn (tăng 4,6%) và thủy sản khác đạt 1.135,5 nghìn tấn (tăng 1,0%).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD (hơn 211.165 tỷ đồng), tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, riêng tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD.
Theo VASEP, trong nhóm sản phẩm hải sản, cua ghẹ và nhuyễn thể có vỏ vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm. Trong tháng 10, xuất khẩu cua ghẹ và các giáp xác khác tăng 58%, trong khi nhuyễn thể có vỏ tăng tới 138%. Tính chung 10 tháng đầu năm, hai nhóm sản phẩm này đã đạt doanh thu lần lượt là 267 triệu USD và 173 triệu USD, tăng 66% và 58% so với năm 2023.
Tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi cá tra gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26% và 24%.
VASEP nhận định, năm 2024, cả tôm và cá tra sẽ tiếp tục là những sản phẩm chủ lực và có triển vọng tích cực, nhờ vào nhu cầu tăng trưởng và giá cả hồi phục tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Australia.
Xét về thị trường, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam , chiếm thị phần lần lượt là 18,5%, 16,8% và 15,4%. Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Nga với mức tăng 94,8%.
Riêng trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 37%, Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, Hàn Quốc 13%.
VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc có khả năng vượt Hoa Kỳ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì. Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng này, Trung Quốc có thể trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam.
Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Nếu 2 tháng tiếp, mỗi tháng được khoảng 1,8 tỷ USD thì chúng ta đã đạt được kế hoạch 10 tỷ USD và nếu như tốc độ này thì xuất khẩu thủy sản đạt trên 10 tỷ USD năm 2024".
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/mo-vang-giup-viet-nam-hot-bac-tu-a-sang-au-thu-ve-hon-211-000-ty-dong-chi-trong-10-thang-69038.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn