Một loại lá cây dân dã của Việt Nam bất ngờ được săn lùng với giá đắt đỏ: Xuất khẩu tăng hơn 1.700%, là cây quý hiếm ít quốc gia sở hữu
06/12/2023 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 219
Không chỉ mang về hàng triệu USD, loại lá này còn là bài thuốc quý đối với sức khỏe với những công dụng bất ngờ.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu các loại lá trong tháng 10/2023 đạt 544.000 USD, tăng 0,8% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu lá đạt 5,7 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 10/2023, xuất khẩu lá nguyệt quế đã thu về 33.000 USD, tăng 323,9% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu lá nguyệt quế đạt 936.000 USD, tăng tới 1.738,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Lá nguyệt quế (bay leaves) là lá của cây nguyệt quế, có xuất xứ từ Địa Trung Hải. Cây nguyệt quế có ở các nước Ấn Độ, Pakistan, các nước Đông Nam Á khác, một số đảo Thái Bình Dương, Úc, xung quanh bờ biển Địa Trung Hải và Nam Âu, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Algeria, Maroc, Bỉ, Trung Mỹ, Mexico, Nam Hoa Kỳ và quần đảo Canary.
Nguyệt quế được tiêu thụ theo nhiều cách và dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Ngoài lá tươi, các dạng chế biến phổ biến khác bao gồm toàn bộ lá khô, lá đông lạnh, bột và tinh dầu chiết xuất. Lá nguyệt quế có thể được thu hái bất kì thời điểm nào trong năm từ một cây trưởng thành hoàn toàn. Lá nguyệt quế tươi có vị đắng và hăng, do đó lá cần được làm khô trước khi sử dụng.
Nhắc đến lá nguyệt quế không ai còn xa lạ bởi đây là nguyên liệu được dùng trong nước dùng của phở - món ăn "quốc dân" của người Việt - đặc biệt là phía Bắc. Lá nguyệt quế có vị cay cay, đắng và thơm và thường được dùng để ướp, xào, nêm nếm, khử mùi tanh của thịt cá. Tác dụng của lá nguyệt quế trong nấu ăn giúp kích thích vị giác, làm tăng hương vị thơm ngon cho các món hầm, súp, cà ri.
Lá nguyệt quế đồng thời cũng là một thành phần quan trọng trong trà, dầu, pho mát và rượu, và tinh dầu của nó được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm cho xà phòng, nước hoa, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống và các sản phẩm nha khoa.
Bên cạnh đó, về phương diện sức khỏe, 2 thành phần kháng viêm là mycrene và eugenol trong lá nguyệt quế khi gặp lửa sẽ dễ dàng bay hơi. Do đó, đốt lá nguyệt quế để hít có tác dụng giảm các triệu chứng sưng viêm liên quan tới hệ hô hấp. Tinh dầu nguyệt quế giúp phổi được làm sạch, giảm sự đông đặc phổi, đường thở thông thoáng, hô hấp thuận lợi. Người bị hen suyễn, dị ứng hoặc mắc các bệnh về hô hấp có thể đốt và ngửi lá nguyệt quế để cải thiện tình trạng.
Tính đến tháng 9/2023, tại thị trường trong nước, giá lá nguyệt quế khô đang được các công ty nông sản bán ra với mức 400.000 - 550.000 đồng/kg. Tại các siêu thị ở Mỹ, giá lá nguyệt quế dao động 1,5-2 triệu đồng/kg.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thập kỷ tiếp theo dự kiến sẽ được đánh dấu bằng sự tăng trưởng ấn tượng của các loại gia vị và hương liệu hữu cơ, phù hợp với xu hướng thực phẩm hữu cơ đang phát triển nhanh chóng. Thị trường gia vị hữu cơ toàn cầu trị giá 17 tỷ euro vào năm 2021 và ước tính sẽ đạt giá trị doanh thu (bán lẻ) gần 20 tỷ euro vào năm 2026. Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ gia vị hữu cơ được dự báo sẽ đặc biệt cao ở Thụy Điển và Anh (hơn 5,5% mỗi năm trong 7 năm tới).
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/mot-loai-la-cay-dan-da-cua-viet-nam-bat-ngo-duoc-san-lung-voi-gia-dat-do-xuat-khau-tang-hon-1-700-la-cay-quy-hiem-it-quoc-gia-so-huu-48501.html