Một loại nông sản từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Nhập khẩu tăng hơn 2.000% trong 10 tháng đầu năm, chỉ có 12 quốc gia đủ hàng để xuất khẩu
12/12/2023 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 185
Giá nhập khẩu mặt hàng này đã giảm đến 19% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2023, nước ta đã nhập khẩu 414.633 tấn lúa mì với trị giá 130,37 triệu USD, tăng 84% về lượng và tăng 88,4% kim ngạch so với tháng 9/2023.
Tính chung trong 10 tháng năm 2023 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,74 triệu tấn, tương đương trên 1,29 tỷ USD, tăng 10,4% về khối lượng, nhưng giảm 1,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu trung bình đạt 345,5 USD/tấn, giảm 10,4%.
Về thị trường, trong 10 tháng đầu năm, Úc là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất cho Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu từ thị trường này hơn 2,5 triệu tấn lúa mì, trị giá hơn 881 triệu USD, tăng 3,6% về lượng nhưng giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng gần 67%.
Xếp thứ 2 là Mỹ với 363.985 tấn – tương đương với trị giá hơn 138 triệu USD, tăng 48% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng gần 10%. Brazil đứng thứ 3 với 262.622 tấn, trị giá hơn 95 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý trong số các thị trường chủ đạo, Canada đang chứng kiến mức tăng mạnh nhất khi tăng trưởng hàng nghìn %. Cụ thể trong 10 tháng đầu năm, thị trường này xuất sang Việt Nam 180.473 tấn lúa mì với trị giá hơn 72,6 triệu USD, tăng mạnh 2.186% về lượng và tăng 1.816% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu bình quân đạt 404 USD/tấn, giảm 19% so với cùng kỳ.
Việt Nam nhập khẩu bắp, lúa mì, đậu nành dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sản phẩm của 2 ngành này ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn để xuất khẩu và đang mang về trị giá ngày càng tăng. Việt Nam gần như không trồng được lúa mì. Đối với bắp và đậu nành tuy có trồng được nhưng giá thành cao, cạnh tranh kém hơn so với hàng nhập khẩu.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành. Trong đó, ngô chiếm khoảng 50% và lúa mì chiếm khoảng 10% khối lượng các lô hàng trên. Khi giá ngô tăng cao, lúa mì cũng được coi là loại nguyên liệu thay thế phù hợp.
Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) dự báo sản lượng lúa mỳ toàn cầu trong vụ mùa 2023 - 2024 đạt 784 triệu tấn, giảm 2,4% so với vụ mùa trước đó và Nga là nước xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu toàn cầu trong năm 2023. Theo IGC, hiện chỉ có 12 nước sản xuất đủ lúa mỳ để xuất khẩu. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất lúa mỳ lớn nhất thế giới với 138 triệu tấn trong vụ mùa 2022 - 2023.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/mot-loai-nong-san-tu-canada-do-bo-viet-nam-voi-gia-re-bat-ngo-nhap-khau-tang-hon-2-000-trong-10-thang-dau-nam-chi-co-12-quoc-gia-du-hang-de-xuat-khau-48802.html