Một mặt hàng Việt Nam có sản lượng gấp 62 lần so với Thái Lan bất ngờ sốt giá: Xứ chùa Vàng săn lùng với giá đắt đỏ chưa từng có, nước ta là ‘trùm’ thứ 2 thế giới
05/12/2023 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 281
Giá xuất khẩu mặt hàng này sang Thái Lan đã tăng gần gấp 1,5 lần kể từ đầu năm đến nay, cao nhất trong vòng 5 năm.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 10/2023, hạt cà phê xuất khẩu đạt 43.725 tấn với trị giá thu về hơn 157,55 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 6,6% về kim ngạch so với tháng trước đó. Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê thu về 3,29 tỷ USD với 1,3 triệu tấn, giảm 10,7% về lượng và giảm 1,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Điểm sáng của cà phê Việt Nam kể từ đầu năm là giá xuất khẩu tăng cao, đạt 2.534 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 10 tháng đầu năm, cà phê của Việt Nam xuất nhiều nhất sang Đức với 149.996 tấn, thu về hơn 335 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11%. Xếp thứ 2 là Italy với 119.363 tấn, tương đương với hơn 266 triệu USD, chiếm 9,21% và Nhật Bản đứng thứ 3 với thị phần 6,7%. Trong 10 tháng đầu năm, nước ta xuất sang xứ hoa anh đào 88.070 tấn cà phê và thu về hơn 252 triệu USD.
Đáng chú ý, trong số các thị trường xuất khẩu, Thái Lan nổi lên là 1 trong những thị trường thu mua cà phê Việt Nam với mức giá tăng mạnh nhất. Cụ thể nước ta xuất sang Thái Lan 26.838 tấn cà phê trong 10 tháng đầu năm và thu về hơn 88 triệu USD, giảm 4,32% về lượng nhưng tăng mạnh 28% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu đạt 3.320 USD/tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời là mức giá bình quân cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo đại diện Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan, trong 5 năm qua, Thái Lan sản xuất trung bình hàng năm 26.000 tấn cà phê hạt, với nhu cầu tăng từ 70.000 tấn lên 90.000 tấn trong 5 năm qua. Trong vòng 5 năm qua, sản xuất cà phê tại Thái Lan liên tục suy giảm. Chất lượng cà phê cũng không đồng đều, 70% nông dân tập trung tại miền nam Thái Lan và việc lựa chọn giống không kĩ lưỡng khiến năng suất suy giảm. Hơn nữa, thời tiết biến động thất thường cũng có tác động tiêu cực đến việc sản xuất của nông dân, bởi vậy quốc gia này phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu về cà phê.
Theo Hiệp hội cà phê Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê Robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021. Như vậy sản lượng cà phê của Việt Nam gấp đến hơn 62 lần so với sản lượng của Thái Lan, trở thành nhà cung cấp cà phê lớn cho người dân xứ chùa Vàng.
Cây cà phê tại Việt Nam được mệnh danh là loại cây tỷ đô khi mang về kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm, đồng thời đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 2 của thế giới.
Giống cây này được xuất khẩu từ châu Phi tới các nước trên thế giới và hiện nay đã được trồng tại tổng cộng hơn 70 quốc gia, chủ yếu là các khu vực nằm gần đường xích đạo thuộc châu Mỹ, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi. Hai giống cà phê được trồng phổ biến nhất là cà phê chè và cà phê vối. Theo tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD, vẫn lập được mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/mot-mat-hang-viet-nam-co-san-luong-gap-62-lan-so-voi-thai-lan-bat-ngo-sot-gia-xu-chua-vang-san-lung-voi-gia-dat-do-chua-tung-co-nuoc-ta-la-trum-thu-2-the-gioi-48432.html