Mỹ hắt hơi thế giới sẽ cảm lạnh, còn khi Trung Quốc ‘đổ bệnh’ thì sao?
01/10/2023 | Tác giả: Thanh Tú Lượt xem: 228
Nhiều chuyên gia kinh tế thường ví von rằng khi nước Mỹ hắt hơi, phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm lạnh. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc “đổ bệnh”?
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ tăng trưởng chậm, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao còn thị trường bất động sản, từng là trụ cột của nền kinh tế, thì hỗn loạn.
Mới đây, chủ tịch của tập đoàn bất động sản ôm "bom nợ" lớn nhất Trung Quốc Evergrande đã bị cảnh sát giám sát và cổ phiếu của công ty này đã bị đình chỉ trên thị trường chứng khoán.
Câu hỏi đặt ra là trong khi những vấn đề này khiến Bắc Kinh đau đầu, thì chúng sẽ tác động thế nào tới phần còn lại của thế giới?
Hiệu ứng dây chuyền
Các nhà phân tích tin rằng những lo lắng về một thảm họa toàn cầu sắp xảy ra là cường điệu hoá. Nhưng các tập đoàn đa quốc gia, công nhân của họ và thậm chí cả những người không có mối liên hệ trực tiếp với Trung Quốc có thể sẽ cảm nhận được ít nhất một vài tác động.
“Ví dụ, nếu người Trung Quốc bắt đầu cắt giảm việc ăn trưa ở ngoài, điều đó có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu không?” bà Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á tại Singapore, đặt câu hỏi.
“Câu trả lời là không nhiều như bạn tưởng tượng, nhưng việc này chắc chắn ảnh hưởng đến các công ty phụ thuộc trực tiếp vào sức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc”, bà Elms cho hay.
Hàng trăm công ty lớn trên toàn cầu như tập đoàn công nghệ Apple, nhà sản xuất xe hơi Volkswagen và thương hiệu thời trang Burberry có được phần lớn doanh thu từ thị trường tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc và sẽ bị ảnh hưởng nếu các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu. Hiệu ứng dây chuyền sau đó sẽ lan ra hàng nghìn nhà cung cấp và công nhân trên khắp thế giới đang phụ thuộc vào các công ty này.
Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đóng góp vào 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Do đó, bất kỳ hình thức giảm tốc nào của nước này cũng sẽ có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch của Mỹ hồi tháng trước cho biết sự suy thoái của Trung Quốc đang "phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu" và hạ mức dự báo cho toàn thế giới vào năm 2024.
Tuy nhiên, theo một số nhà kinh tế, ý kiến cho rằng Trung Quốc là động cơ thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu đã bị cường điệu hóa.
“Về mặt toán học, đúng vậy, Trung Quốc chiếm khoảng 40% tăng trưởng toàn cầu”, ông George Magnus, nhà kinh tế học tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho hay.
"Nhưng sự tăng trưởng đó mang lại lợi ích cho ai? Trung Quốc có thặng dư thương mại khổng lồ. Nước này xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, vì vậy việc Trung Quốc tăng trưởng hay không tăng trưởng thực sự là ảnh hưởng tới chính Trung Quốc hơn là phần còn lại của thế giới", ông cho biết.
Tuy nhiên, việc người Trung Quốc chi tiêu ít hơn vào hàng hóa và dịch vụ hoặc xây dựng nhà ở có nghĩa là nhu cầu về nguyên liệu thô và hàng hóa cũng ít hơn.
Tháng 8/2023, nước này nhập khẩu hàng hoá ít hơn gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái khi họ vẫn đang trong tình trạng hạn chế theo chính sách Zero-covid.
“Các nhà xuất khẩu lớn như Úc, Brazil và một số nước ở châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi điều này”, ông Roland Rajah, giám đốc Trung tâm Phát triển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Viện Lowy ở Sydney, cho hay.
Nhu cầu thấp ở Trung Quốc cũng có nghĩa là giá cả trong nước sẽ ở mức thấp. Từ góc độ của người tiêu dùng phương Tây, đây sẽ là một cách đáng hoan nghênh để kiềm chế giá cả tăng cao mà không liên quan đến việc tăng thêm lãi suất.
“Đây là tin tốt cho người dân và doanh nghiệp đang vật lộn với lạm phát cao”, ông Rajah nói. Vì vậy, trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi từ sự suy thoái của Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia cho rằng trong dài hạn thì những hệ lụy là không thể tránh khỏi.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ được gọi là "Sáng kiến Vành đai và Con đường".
Hơn 150 quốc gia đã nhận được tiền và công nghệ của Trung Quốc để xây dựng đường sá, sân bay, cảng biển và cầu cống. Theo ông Rajah, cam kết của Trung Quốc đối với các dự án này có thể bắt đầu bị ảnh hưởng nếu các vấn đề kinh tế trong nước vẫn nhức nhối.
“Bây giờ các công ty và ngân hàng Trung Quốc sẽ không còn nguồn tài chính dồi dào để vung tiền ra nước ngoài”, ông Rajah nhận định.
Dấu hiệu khả quan
Theo người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Julie Kozack, đang có một số dấu hiệu ổn định của nền kinh tế Trung Quốc từ những dữ liệu gần đây.
JMF dự đoán GDP của Trung Quốc trong năm nay có thể đạt mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đề ra. Ngân hàng Nomura cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay từ mức 4,6% đưa ra trước đó lên 4,8%.
Trong trung hạn, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại ở mức khoảng 3,5%, tuy nhiên vẫn có thể cao hơn nếu thực hiện các bước cải cách nền kinh tế để tái cân bằng tăng trưởng từ đầu tư sang chi tiêu tiêu dùng.
Về dài hạn, chuyên gia Yao, người cũng giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc cho rằng kinh tế Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng 5,5% mỗi năm nhờ lượng tiền tiết kiệm lớn và những bước tiến lớn của Trung Quốc về ô tô điện, năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc nhận định, tiềm năng tiêu dùng hiện nay rất lớn khi mà số dư tiết kiệm gửi ngân hàng của của người dân khoảng 7.000 tỷ nhân dân tệ (gần 960 tỷ USD).
Theo các nhà kinh tế, để kích thích thị trường tiêu dùng, chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp nước này nên hướng trọng tâm vào các lĩnh vực phương tiện sử dụng năng lượng mới, điện thoại thông minh 5G, du lịch nội địa, máy bay nội địa…
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc dự báo sẽ vươn lên số 1 thế giới, hơn 4 triệu chiếc trong năm nay.
Theo VietnamFinance
https://vietnamfinance.vn/my-hat-hoi-the-gioi-se-cam-lanh-con-khi-trung-quoc-do-benh-thi-sao-20180504224289487.htm