Nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% có phù hợp?
12/06/2024 | Tác giả: Quách Đồng Lượt xem: 98
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo, cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động là 60%, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo, gồm 8 chương, 145 điều, gồm: những quy định chung; Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp...
Cụ thể, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định nhiều chính sách hỗ trợ việc làm như: chính sách tín dụng giải quyết việc làm; chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài; chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn; hỗ trợ việc làm cho thanh niên...
Với người lao động là người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được vay vốn hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi cũng quy định: Học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động được làm việc không quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách, Nhà nước sẽ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Tại dự thảo Luật này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định, người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động.
Trường hợp người lao động bị thất nghiệp, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi lao động thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.
Tuy vậy, góp ý cho dự thảo luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương tính đóng BHTN trước khi nghỉ việc. Bởi phần lớn doanh nghiệp đóng cho lao động theo mức lương tối thiểu vùng nên tiền hưởng rất thấp.
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được cơ quan soạn thảo chỉnh lý, tiếp thu các ý kiến đóng góp, trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định và xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Dự kiến, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám vào tháng 10 năm nay.
Việc người lao động mất việc làm chỉ được hưởng 60% mức đóng bình quân hàng tháng liệu có phù hợp? Có thể nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
PV: Thưa ông, góp ý vào dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất Ban soạn thảo điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động khi họ không có việc làm. Ông ý kiến như thế nào về đề xuất này?
PGS. TS Vũ Quang Thọ: Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của phía Tổng Liên đoàn. Đó là tăng mức được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng lên để cho người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp, để cho người ta có thể bảo đảm cuộc sống của người ta.
Vì khi đó, người lao động, ngoài trợ cấp thất nghiệp ra, bình thường nếu không nói là quá hẻo thì người ta không còn cái khoản thu nhập khác nữa. Cho nên đề nghị trợ cấp thất nghiệp tăng thêm đấy là chính đáng. Tôi hoàn toàn ủng hộ.
PV: Một số ý kiến cũng đề xuất, với những trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm thì được hưởng thêm quyền lợi như là không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc là bổ sung các chế độ khác khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS. TS Vũ Quang Thọ: Tôi cũng đồng ý với những ý kiến như thế. Đó là khi trợ cấp thất nghiệp có thể dịch chuyển được sang một hình thức trợ cấp khác, để bảo đảm cho người lao động có thể giữ được cái quyền lợi ấy, mà giúp cho đời sống của người ta.
Tôi hoàn toàn đồng ý.
PV: Nếu như thực hiện được việc tăng mức trợ cấp thất nghiệp lên 75% thì liệu nó sẽ ảnh hưởng gì đến Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hay không?
PGS. TS Vũ Quang Thọ: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội ngoài việc bảo trợ, cái tiền của người ta, còn sự trợ giúp của phía Chính phủ nữa vì Chính phủ cũng là một trong những đối tác bảo vệ cho Quỹ bảo hiểm được tăng thêm.
Hoặc ít nhất thì sẽ giữ được, bảo toàn Quỹ bảo hiểm và điều đó cũng làm cho cái quỹ bảo hiểm an toàn hơn. Cho nên tôi không cho rằng những cái gì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bảo hiểm xã hội.
PV: Theo ông, nếu những quy định này trở thành hiện thực thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào?
PGS. TS Vũ Quang Thọ: Nếu như việc này thành hiện thực, thứ nhất, người lao động sẽ được bảo hiểm thêm thời gian để người ta có thể yên tâm với cuộc sống của người ta. Thứ 2 nữa là người lao động sẽ có thể an toàn hơn, trong việc bảo đảm an sinh xã hội sẽ được bảo đảm tốt hơn.
Và đây chính là nguồn lực để có thể giữ được nhân lực của chúng ta, để có được vị thế tốt hơn để có thể phục vụ sản xuất tốt hơn.
Theo VOV
https://vov.vn/xa-hoi/nang-muc-huong-tro-cap-that-nghiep-len-75-co-phu-hop-post1100756.vov
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn