Nên bố trí garage ở vị trí nào?
14/01/2023 | Tác giả: Admin Lượt xem: 251
Tôi tính thiết kế garage ở tầng một nhưng sợ mùi xe, mùi xăng dầu ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Kiến trúc sư tư vấn giúp nên bố trí garage ở vị trí nào tối ưu?
Theo kiến trúc sư Đào Xuân Quang (Công ty Quang Architects & Partners), trong xu hướng phát triển đô thị hiện nay, garage (khu vực để xe, nhà xe) đều được đưa vào yêu cầu thiết kế.
Các công trình nhà ở dân dụng với diện tích vừa và nhỏ (nhà phố) hoặc lớn (biệt thự),... cần được bố trí ở vị trí phù hợp với công năng, diện tích, nhu cầu thực tiễn của gia chủ. Do đó, việc bố trí garage ở vị trí nào để không bị lấn chiếm sang các không gian khác là vấn đề luôn được nhiều gia chủ quan tâm.
Garage là khu vực có diện tích nhất định đảm bảo theo tiêu chuẩn để chứa ô tô và các phương tiện đi lại khác, thường được bố trí ở lối vào, trong phòng kín hoặc có mái che.
Trường hợp nhà phố loại 1 (nhà ống, kích thước có chiều dài dưới 20 m): Đây là loại nhà khá phổ biến ở đô thị hiện nay, việc bố trí garage thường ưu tiên phía trước nhà. Kích thước bề ngang hẹp nên lối vào tùy vào nhu cầu có thể chia làm hai dạng: một lối vào (cửa cuốn hoặc cửa sắt 4 cánh, thường áp dụng với nhà phố hẹp), hai lối vào (cửa cuốn hoặc cửa sắt 2 cánh, bên cạnh thêm 1 cửa sắt 1 cánh, thường áp dụng với nhà phố rộng).
Diện tích sân trước nhà phố thường nhỏ theo quy định chỉ giới xây dựng, do đó sân trước được xử lý mái che, kèm theo mái lấy sáng, lấy gió, ưu tiên các giải pháp về thông thoáng mặt tiền (gạch bông gió, khe gió,...) khắc phục nhược điểm không khí ô nhiễm từ garage.
Trường hợp nhà phố loại 2 (nhà ống, kích thước có chiều dài từ 21 m trở lên): Do kích thước chiều dài đôi khi lớn nên việc bố trí garage thường được tách rời ra sân trước, xen kẽ là khoảng đệm sân vườn trước khi bước vào nhà. Garage ở những công trình dạng này thường bố trí mái che phía trước hoặc mái kéo di động. Ưu điểm là có khoảng đệm sân vườn nên garage thông thoáng, lấy sáng tự nhiên không ảnh hưởng đến các chức năng khác trong công trình.
Biệt thự: Tùy vào khu đất mà garage có thể bố trí ở các vị trí phía trong nhà hoặc ngoài trời.
Garage trong nhà (có thể bố trí mặt bên hoặc phía cổng chính) được bố trí với lối đi riêng, có cửa ngăn với bên trong nhà (thường được liên kết với không gian bếp), có thể kết hợp với nhà vệ sinh phụ trong garage. Phù hợp với dạng biệt thự phố có diện tích vừa phải.
Garage ngoài nhà (có thể bố trí mặt bên hoặc mặt đứng chính tiếp giáp với cổng chính hoặc nằm tách rời khỏi cổng): Phù hợp với dạng biệt thự sân vườn diện tích lớn, garage có thể khép kín hoặc dạng nửa kín nửa mở với mái che.
Qua các trường hợp trên, có thể thấy rằng việc bố trí garage (khu vực để xe, nhà xe) để không bị lấn chiếm sang các không gian khác cần lưu ý các vị trí sau:
Đối với các công trình có diện tích nhỏ, nhà ống,... Bố trí ở khu vực cổng chính, lối vào, tùy vào diện tích bố trí giao thông giữa người và phương tiện không bị chồng chéo. xử lý mái che, kèm theo mái lấy sáng, lấy gió, ưu tiên các giải pháp về thông thoáng mặt tiền (gạch bông gió, khe gió,...) khắc phục nhược điểm không khí ô nhiễm từ garage.
Đối với các công trình có diện tích vừa phải, biệt thự phố,... Bố trí ở khu vực phía trong hoặc phía ngoài nhà (thường được bố trí trong nhà để tận dụng phía trước làm sân vườn), có lối đi riêng, có cửa ngăn với bên trong nhà tránh ảnh hưởng đến các không gian khác.
Theo Vnexpress
https://vnexpress.net/nen-bo-tri-garage-o-vi-tri-nao-4559128.html