Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ
01/12/2024 | Tác giả: Nguyễn Thuận Lượt xem: 80
Tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng cao, đa số nhập viện khi đã qua giờ vàng điều trị. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần nhận biết sớm và điều trị kịp thời để giảm thiểu di chứng.
Chia sẻ tại chương trình đi bộ đồng hành nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ sáng 30/11, TS.BS Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175, cho biết tỷ lệ bệnh nhân trẻ nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng cao. Đa số bệnh nhân đến viện khi đã qua giờ vàng điều trị, tình trạng đã nặng.
"Những trường hợp này, cơ hội để họ hồi phục và trở về cuộc sống bình thường rất khó", bác sĩ Việt nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, cho biết nhiều năm trước, bệnh đột quỵ chỉ thường gặp ở độ tuổi trên 65, nhưng thời gian gần đây thường gặp ở người có độ tuổi 38-47. Như vậy, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa.
Qua quan sát, bác sĩ Nghĩa nhận thấy sau mỗi lần tổ chức chương trình cộng đồng nâng cao nhận biết về đột quỵ, tỷ lệ người bệnh đến bệnh viện trong thời gian vàng rất nhiều. Nhưng khi cách xa các chương trình cộng đồng, lượng người bệnh tới đúng giờ vàng và được cứu chữa giảm, họ còn có nhận thức sai về bệnh.
"Thậm chí, có những người bị đột quỵ, nhập viện với 10 đầu ngón tay, 10 đầu ngón chân bị chích máu", bác sĩ Nghĩa nói.
Theo bác sĩ Nghĩa, lý do người dân nhập viện muộn là chủ quan. Họ thấy các triệu chứng đột quỵ chỉ nhẹ, cơ thể chỉ vừa yếu, liệt mặt không đáng kể nên chần chừ, đợi đến ngày mai mới nhập viện. Cũng có trường hợp đột quỵ trong đêm, không phát hiện ra.
Bên cạnh đó, người dân lựa chọn sai nơi điều trị đột quỵ, ở các cơ sở không triển khai phương pháp điều trị tiêu sợi huyết. Do đó, khi người bệnh đến bệnh viện thì đã muộn, qua thời gian vàng để điều trị đột quỵ.
Những người bị đột quỵ khi đến viện trễ, bác sĩ không áp dụng được các phương pháp điều trị đặc hiệu như tiêu sợi huyết (áp dụng trong 4,5-6 giờ), lấy huyết khối.
Cứ một phút trôi qua, có khoảng 2 triệu neuron thần kinh chết đi. Như vậy, càng để lâu, lõi hoại tử càng mở rộng. Ở khoảng thời gian 6-24 giờ, lõi nhồi máu đã quá lớn, bác sĩ không thể làm gì được nữa.
"Lúc này, người bệnh phải chấp nhận có di chứng, tàn phế bởi vùng não tổn thương. Bác sĩ chỉ điều trị để ngăn ngừa cơn đột quỵ tiếp theo và phục hồi chức năng", bác sĩ Nghĩa cho hay.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Tương tự các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Nhiều người dân nhầm lẫn giữa biểu hiện đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7. Theo phân tích của bác sĩ Nghĩa, liệt giây thần kinh số 7 được chia thành 2 loại là ngoại biên và trung ương.
Liệt giây thần kinh số 7 ngoại biên chỉ là liệt đơn độc ở giây thần kinh đó. Còn liệt giây thần kinh số 7 trung ương, sẽ liên quan đến đột quỵ.
Để phân biệt biệt nhanh, người dân có thể chú ý đến biểu hiện sau: Khi nhắm 2 mắt cùng lúc, người bị liệt giây thần kinh số 7 ngoại biên 1 mắt nhắm được, 1 mắt chỉ nhắm hờ. Trong khi đó, người bị liệt giây thần kinh số 7 trung ương sẽ nhắm được 2 mắt cùng lúc.
Tuy liệt giây thần kinh số 7 ngoại biên ít liên quan đến đột quỵ, vẫn có trường hợp là đột quỵ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng liệt mặt là biểu hiện điển hình của đột quỵ. Do đó, người bệnh khi phát hiện bị liệt mặt, nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Bác sĩ có đủ khả năng và kiến thức để giúp phân định đó có phải đột quỵ hay không.
Theo Báo Mới
Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ - Tạp chí Tri thức
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn