Ngày hội Việc làm: Lao động và doanh nghiệp "gặp nhau"
17/07/2024 | Tác giả: MINH THÁI Lượt xem: 156
Ngày 8/5, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Ngày hội Việc làm- Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2022 (sau đây gọi là ngày hội), với sự tham gia của 56 đơn vị là doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và một số tỉnh thành cùng cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh; đồng thời thu hút đông đảo học sinh sinh viên, người lao động trong tỉnh.
Ngày hội nhằm tạo điều kiện tăng cường kết nối thông tin, phối hợp liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, cung ứng lao động, đơn vị dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thực hiện các hoạt động tuyển dụng, hỗ trợ việc làm trong và ngoài nước, đào tạo nghề nghiệp cho người lao động... Để những chủ thể này “gặp nhau” trong giải quyết cung- cầu lao động- việc làm.
Đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020 bình quân hàng năm có trên 31.700 lao động của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp; tạo việc làm mới mỗi năm cho 25.000 lao động, trong đó gồm đưa lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các kết quả này, qua đó đã góp phần quan trọng cho công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Trong khuôn khổ ngày hội, diễn ra hàng loạt trao đổi, tiếp xúc giữa sinh viên học sinh, người lao động với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp về lĩnh vực lao động, việc làm; hội thảo chương trình kết nối việc làm- đào tạo nghề- bảo hiểm thất nghiệp.
Theo ông Trương Công Hào- Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- đến với ngày hội, trường cùng các đơn vị có nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ năng cho người lao động. Cùng với đó cung cấp đầy đủ thông tin ngành nghề đào tạo, định hướng nghề nghiệp, mở ra cơ hội cho kết nối cung cầu lao động, đáp ứng nguồn nhân lực.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh- Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Long- chia sẻ một trong những giải pháp về đào tạo nghề và tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp tại trường, là lồng ghép đào tạo kỹ năng mềm cho người học trong quá trình đào tạo ngành nghề.
Theo bà Mỹ Linh, trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, thì các cơ sở đào tạo cần phải liên kết đào tạo với doanh nghiệp và tổ chức quy trình đào tạo sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội.
Ở góc độ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi nghỉ việc, bà Lê Thị Huế Nhi- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) chia sẻ tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền để nâng nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động đối với bảo hiểm thất nghiệp, nhất là các quy định liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động.
Đồng thời, trung tâm chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề, ngày hội việc làm để kết nối cung- cầu giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhằm giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động.
Nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tay nghề lao động
Trong giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, đào tạo và tuyển dụng lao động tỉnh Vĩnh Long đi xuất khẩu lao động, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- Giám đốc Công ty TNHH MITACO, nêu 4 điểm: Củng cố, tăng cường phối hợp trong công tác xuất khẩu lao động; chuẩn bị điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực đào tạo; đa dạng hình thức tuyên truyền, tư vấn, phổ biến chính sách xuất khẩu lao động; đẩy mạnh công tác đào tạo để tạo nguồn xuất khẩu lao động.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, hội thảo kết nối đào tạo nghề- việc làm- bảo hiểm thất nghiệp nhằm đồng hành- lắng nghe- chia sẻ giữa các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Để qua đó đề ra định hướng và giải pháp, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nghiệp và kết nối doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho người lao động.
Phát biểu tại ngày hội việc làm, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu các giải pháp để gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước- nhà trường- nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thông tin kịp thời nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động; quan tâm tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động, đánh giá và công nhận kỹ năng nghề, phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động để thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo lao động có tay nghề ngày càng cao.
Đối với học sinh, sinh viên đây là dịp để tiếp xúc với nhà tuyển dụng, tiếp cận cơ hội việc làm. Từ đó xác định mục tiêu học tập, định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết và tìm kiếm cơ hội việc làm cho tương lai.
Theo Vĩnh Long
https://baovinhlong.com.vn/lao-dong-viec-lam/202205/ngay-hoi-viec-lam-lao-dong-va-doanh-nghiep-gap-nhau-3115311/index.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn