Ngoài sầu riêng, một loại nông sản đắt đỏ của Việt Nam được Trung Quốc dốc hầu bao săn lùng: Diện tích trồng gấp 7 lần so với láng giềng, là 'của hiếm' của thế giới
25/12/2023 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 240
Mỗi tháng nước ta thu về hàng trăm triệu USD từ mặt hàng này.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 11 đạt 64.148 tấn với trị giá hơn 352 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm, nước ta thu về 3,3 tỷ USD từ xuất khẩu hạt điều, lượng xuất khẩu đạt 581.039 tấn, tăng 22,9% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Mỹ là thị trường lớn nhất của hạt điều Việt Nam. Cụ thể trong 11 tháng đầu năm, quốc gia này đã nhập khẩu từ nước ta 144.280 tấn điều với trị giá hơn 810 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam với mức tăng trưởng mạnh nhất trong số 5 thị trường chủ đạo của hạt điều. Cụ thể trong 11 tháng đầu năm, nước ta đã xuất khẩu sang Trung Quốc 98.962 tấn hạt điều và thu về hơn 602 triệu USD, tăng mạnh 42% về lượng và tăng 48% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 6.087 USD/tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo trang Baijiahao, hạt điều là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng phong phú, hương vị đặc trưng, được mệnh danh là “Vua hạt trái khô”. Tuy nhiên, phần lớn hạt điều được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc đều nhập khẩu từ Việt Nam.
Trung Quốc cũng có lịch sử và điều kiện trồng điều khi trở thành những nước bắt đầu trồng điều sớm nhất từ những năm 1950. Hiện nay, Trung Quốc đã có những nông trại trồng điều với quy mô nhất định, chủ yếu tập trung ở Hải Nam, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông...Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngành điều Trung Quốc phát triển chưa đạt yêu cầu.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), diện tích trồng điều của Trung Quốc rất hạn chế, năm 2019 chỉ đạt 67.000 ha. Trong khi đó, diện tích trồng điều của Việt Nam là 487.000 ha và sản lượng là 485.000 tấn. Như vậy có thể thấy diện tích trồng của nước ta gấp đến hơn 7 lần so với láng giềng.
Không chỉ vậy, năng suất của cây điều tại Trung Quốc cũng rất thấp, công nghệ chế biến lạc hậu nên Trung Quốc đang ở thế yếu trên thị trường điều toàn cầu và không thể cạnh tranh với các nước sản xuất điều hàng đầu thế giới như Việt Nam. Vì vậy, ngay cả trên thị trường hạt điều có giá trị cao như vậy, Trung Quốc vẫn chưa tìm được chỗ đứng cho riêng mình.
Năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu.
Hiện hạt điều Việt Nam đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về cơ cấu chủng loại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh hạt điều, người Trung Quốc cũng rất đam mê các loại trái cây của Việt Nam, một trong số đó phải kể đến sầu riêng với mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 55,4 tỷ USD, tăng 5,22% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/ngoai-sau-rieng-mot-loai-nong-san-dat-do-cua-viet-nam-duoc-trung-quoc-doc-hau-bao-san-lung-dien-tich-trong-gap-7-lan-so-voi-lang-gieng-la-cua-hiem-cua-the-gioi-49455.html