'Người sống, dữ liệu phải sống'

'Người sống, dữ liệu phải sống'

28/03/2025 | Tác giả: Thu Hằng - Đăng Nguyên Lượt xem: 34


'Người sống, dữ liệu phải sống'

Để chuyển đổi số thành công, chính quyền phải làm cho dữ liệu "sống" cùng người dân, tức mọi hoạt động của công dân trong đời thực đều được cập nhật trên môi trường số, theo Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM Võ Thị Trung Trinh.

TP HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Chương trình Chuyển đổi số từ năm 2020, và hiện xếp thứ hai cả nước về xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số (DTI), sau Đà Nẵng. Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Võ Thị Trung Trinh chia sẻ với VnExpress về quá trình chuyển đổi số của TP HCM và vai trò nền tảng của dữ liệu.

Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM Võ Thị Trung Trinh trao đổi với VnExpress về chuyển đổi số, tháng 3/2025. Ảnh: Phùng Tiên

Bà đánh giá thế nào về quá trình chuyển đổi số của thành phố sau 5 năm ban hành Chương trình Chuyển đổi số?

- Từ khi Internet vào Việt Nam năm 1997, TP HCM đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, rồi xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính, và gần đây nhất là chuyển đổi số. Nhưng dù dùng khái niệm nào, theo tôi nội hàm đều là ứng dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ để đổi mới hoạt động của chính quyền. Chuyển đổi số rộng hơn bởi không chỉ hướng tới chính quyền số, mà còn xây dựng kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trong đó, chính quyền phải đi trước.

Thuật ngữ chuyển đổi số xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng năm 2017, và đến năm 2020 thì Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đầu tiên. Quá trình xây dựng dự thảo, thành phố đã chủ động kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông để góp ý, đồng thời thực hiện song song. Nhờ đó, thành phố đi đầu.

Nhưng dù tiên phong, chuẩn bị sớm, thành phố vẫn đứng sau Đà Nẵng về chỉ số DTI bởi quy mô dân số và doanh nghiệp gấp nhiều lần các địa phương khác, khiến quá trình triển khai không dễ dàng.

- Trong chương trình Chuyển đổi số đầu tiên của thành phố, theo bà thành phần nào quan trọng nhất?

- Đó là Kho dữ liệu dùng chung. Ý tưởng này không phải đến chương trình Chuyển đổi số mới xuất hiện, mà vốn là một trong 4 trụ cột của đề án xây dựng đô thị thông minh được TP HCM ban hành từ năm 2017. Giai đoạn đó, khi học hỏi kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển, lãnh đạo thành phố choáng ngợp bởi một tương lai có thể quản trị tất cả trên nền tảng số, qua các ứng dụng như giao thông thông minh, y tế thông minh...

Nhưng nhìn nhận lại, tôi cho rằng nhận thức của các bên về đô thị thông minh giai đoạn đó chưa đầy đủ. Thành phố tập trung làm các ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, trong thời gian ngắn, như xây dựng trung tâm điều hành thông minh ở nhiều quận huyện, cơ quan; trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông; camera giám sát... với mong muốn sớm trở nên hiện đại, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân.

Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ này mới là sự thay đổi trên bề mặt. "Gốc rễ" của đô thị thông minh, chuyển đổi số, hay trí tuệ nhân tạo (AI)... là dữ liệu, thì chúng ta lại thiếu.

Khi đó, với vai trò Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, tôi được giao nhiệm vụ xây dựng Kho dữ liệu dùng chung, ra mắt năm 2019 và là mô hình đầu tiên trên cả nước. Nhưng đây mới là "lớp vỏ" ban đầu để tổng hợp dữ liệu từ các nguồn về chung một mối. Cốt lõi là phải thiết kế được kiến trúc cho hệ thống dữ liệu trong chính quyền để các bên đều có thể chia sẻ, cập nhật và sử dụng được theo một luồng thống nhất.

Kiến trúc chính quyền điện tử được thành phố ban hành năm 2018 đã bắt đầu đưa thành phần Kho dữ liệu dùng chung vào nhưng chưa cụ thể nên khó áp dụng. Từ kinh nghiệm gần 30 năm làm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tôi biết đây là "bộ não" không thể thiếu của chính quyền điện tử. Dữ liệu hoàn chỉnh là nền tảng vững chắc nhất để chuyển đổi số. Nhất quyết phải làm. Tôi nhiều lần đề xuất với thành phố. Sau đó, thành phần này được cụ thể hóa ở phiên bản thứ hai của kiến trúc chính quyền điện tử TP HCM sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và ngày càng hoàn thiện ở những phiên bản sau.

- Nhìn từ góc độ đời sống người dân, dữ liệu có tác động như thế nào?

- Dịch Covid-19 bùng phát năm 2021 chính là bài học khiến thành phố thấu hiểu rất rõ sức mạnh của dữ liệu, nhờ đó dự án sau này cũng nhận được sự ủng hộ lớn hơn của lãnh đạo thành phố.

Giai đoạn đó, tôi mới nhận ra đề án đô thị thông minh và chuyển đổi số vẫn còn một "khoảng trống" dữ liệu rất lớn cần phải lấp đầy, đó là sự gắn kết dữ liệu của các bộ ngành, sở ngành, quận huyện và cơ sở. Trước đó, thành phố đã thu thập nhiều dữ liệu nhưng phân mảnh, chưa liên thông, liên kết được với nhau một cách đồng bộ.

Ví dụ, chúng ta có dữ liệu về dân số, bảo hiểm xã hội nhưng không thể dùng để tương tác với người dân. Mọi dữ liệu đều phải thu thập lại. Quá trình đăng ký tiêm chủng hay xét nghiệm đều lập thủ công qua giấy, sau đó mới có đội ngũ nhập liệu. Cách này rất dễ sai sót do người dân nhầm thông tin hoặc sai lỗi chính tả. Hệ quả là khi đưa dữ liệu vào ứng dụng để kết nối với thông tin dân số hay bảo hiểm xã hội thì xuất hiện nhiều lỗi do sai thông tin.

Nếu có dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" thì quản trị dễ dàng hơn rất nhiều bởi chính quyền có thể nắm bắt từng biến động, phát hiện hoặc truy vết được những điểm bất thường. Giả sử, khi cần xác định thông tin cơ bản của người dân như độ tuổi, nơi ở, nhóm đối tượng... để khoanh vùng đánh giá dịch, truy vết, hay xét nghiệm, tiêm vaccine mới thấy dữ liệu không hoàn chỉnh.

Hết dịch, thành phố lấp khoảng trống đó bằng chiến lược quản trị dữ liệu, ban hành vào đầu năm 2023 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới.

Màn hình theo dõi tình hình giao thông qua camera tại Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị đang có tại TP HCM. Ảnh: Gia Minh

- Đến nay, thành phố đã làm được gì trong việc phát triển kho dữ liệu này?

- Thành phố hiện tập trung vào ba nhóm dữ liệu: người dân (hành chính, hộ tịch, y tế, giáo dục, an sinh); tài chính - doanh nghiệp (thu chi ngân sách, đầu tư công, doanh nghiệp - hộ kinh doanh cá thể); và đất đai - đô thị (tài nguyên - môi trường, xây dựng, giao thông, quy hoạch - kiến trúc). Mỗi loại dữ liệu do một sở ban ngành liên quan phụ trách.

Đến nay, thành phố còn thiếu khoảng 60%, chủ yếu là dữ liệu đất đai, xây dựng, giao thông, hạ tầng đô thị. Sang năm, chúng tôi quyết tâm hoàn thành những dữ liệu cơ bản này.

Dữ liệu phải đáp ứng 4 yêu cầu: đúng, đủ, sạch, sống. Trong đó, dữ liệu muốn "sống" phải được cập nhật liên tục, có thể tương tác và sinh ra dữ liệu mới. Ví dụ, một công dân A có rất nhiều dữ liệu như CCCD, bệnh án điện tử, lương, việc làm... Người "sống" thì dữ liệu cũng phải "sống", tức được cập nhật theo từng tương tác của người dân như khả năng tiếp cận giáo dục, sự thay đổi về sức khỏe... Còn nếu tất cả dữ liệu chỉ cập nhật khi có thay đổi, như CCCD được làm mới khi người dân đủ 25, 40 và 60 tuổi, tức là dữ liệu chết, không tạo ra nhiều giá trị.

Một bộ dữ liệu hoàn chỉnh có thể thay đổi rất lớn quá trình quản trị của thành phố. Ví dụ như xác định khu vực thiếu trường học, bệnh viện, hoặc loại bệnh nào đang gia tăng bất thường, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân và đặc biệt là sử dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

- Trong quá trình làm việc với các sở ban ngành địa phương, bà nhận thấy đâu là những hiểu lầm phổ biến về chuyển đổi số?

- Làm việc với các sở ban ngành địa phương, tôi nhận thấy mọi người thường nghĩ chuyển đổi số quan trọng nhất là công nghệ, nhưng đây là suy nghĩ sai lầm. Khi đã xác định được vấn đề, quy trình và các dữ liệu cần thu thập thì công nghệ mới tham gia vào bước cuối cùng để thực thi.

Bên cạnh đó, nếu quy trình được số hóa, mà chính sách không thay đổi theo thì rất khó đạt được chuyển đổi số. Ví dụ như cải cách thủ tục hành chính đặt mục tiêu trực tuyến hóa toàn bộ quy trình. Thế nhưng, nhiều thủ tục vẫn yêu cầu người dân cung cấp 2-3 bản sao công chứng cho những thông tin mà cơ quan nhà nước đã nắm như giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lý lịch tư pháp... Trong khi lẽ ra, cán bộ chỉ cần trích xuất để hoàn thiện thủ tục, tiết kiệm biết bao nguồn lực cho toàn xã hội.

Đơn cử, năm 2024 đã có hơn 2,9 triệu lượt sử dụng VNeID để đăng ký nộp hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. Giả sử mỗi hồ sơ này cần 10.000 đồng để sao y thông tin từ CCCD thì đã tiết kiệm cho người dân 29 tỷ đồng.

- Theo bà, khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số hiện nay là gì?

- Trong một cuộc họp mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú - Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng đánh giá các nền tảng số, dữ liệu số chưa đảm bảo tính kết nối và chia sẻ, "mạnh ai nấy được, mạnh ai nấy làm".

Đó chính là khó khăn lớn nhất hiện nay. Muốn chuyển đổi số thành công trên cả nước thì phải phá được "tảng băng" về dữ liệu. Trong nội bộ địa phương không khó, như TP HCM đã có chính sách để "phá băng". Các đơn vị cũng không còn tâm lý "giữ" dữ liệu bởi hiểu rằng họ không chỉ cho mà còn nhận dữ liệu từ những cơ quan khác, giúp ích rất nhiều cho quá trình ra quyết định.

Phần đang vướng là cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương và địa phương. Hiện có rất nhiều dữ liệu được tạo ra từ việc giải quyết các thủ tục hành chính do địa phương thực hiện nhưng các Bộ, ngành lưu trữ, ví dụ như doanh nghiệp, hộ tịch, bảo trợ xã hội... Địa phương không thể tiếp cận để sử dụng cho những mục đích khác nhau. Đây là sự lãng phí tiềm lực rất lớn.

Nghị quyết 57 đã nhấn mạnh đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, vậy thì càng phải chia sẻ "tài sản" này để tất cả cùng phát triển. Chính sách chia sẻ dữ liệu thông suốt mới có thể triển khai thành công, hiệu quả các nền tảng số dùng chung. Đây cũng là cách để phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Theo tôi, lý tưởng nhất là Chính phủ ban hành một hướng dẫn bắt buộc, như pháp lệnh, yêu cầu các đơn vị phải chia sẻ dữ liệu cho địa phương. Đồng thời, Cổng dữ liệu quốc gia cung cấp công cụ kết nối, hướng dẫn các tỉnh, thành chia sẻ sao cho "hứng" được dữ liệu từ Trung ương. Đây là nguyên liệu để tổ chức thành dữ liệu lớn và triển khai các ứng dụng phục vụ chỉ đạo điều hành, trợ lý ảo ở cơ quan hành chính.

Cần lưu ý rằng chia sẻ dữ liệu đúng nghĩa tức là dữ liệu gốc, được thu thập ngay từ ban đầu, còn báo cáo thống kê thì không phải dữ liệu.

- Việc các bên chia sẻ dữ liệu có thể đạt được kết quả thế nào?

- Ứng dụng Công dân số mà TP HCM vừa ra mắt tháng 11/2024 là điển hình cho chia sẻ dữ liệu thành công. Đây là kết quả của việc kết nối Kho dữ liệu dùng chung với tài khoản định danh điện tử VNeID của gần 6 triệu người dân tại TP HCM. Việc định danh được người dân và kết nối với những dữ liệu sẵn có giúp chúng tôi dần hoàn thiện hồ sơ và tương tác được với công dân. Ví dụ, người dùng có thể tự tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ mà mình đang nộp, hoặc theo dõi kết quả phản ánh với cơ quan chức năng, tìm kiếm thông tin cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục...

Trong tương lai, ứng dụng này không chỉ giải quyết những vấn đề hành chính công, mà có thể phục vụ tất cả dịch vụ công, trở thành công cụ để người dân giao tiếp với chính quyền. Nếu thời điểm dịch có ứng dụng này, người dân có thể dễ dàng liên lạc để đăng ký các nhu cầu thiết yếu. Chính quyền cũng thuận lợi quản lý tình hình dịch bệnh và các vấn đề khác. Nhìn rộng hơn, khi xã hội xảy ra một cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, chúng ta sẽ sẵn sàng thích nghi và ứng phó với những tình huống khẩn cấp.

- Theo bà, quá trình chuyển đổi số sẽ thay đổi chính quyền thế nào, đặc biệt sau Nghị quyết 57?

- Nhìn lại, năm 1997 Việt Nam bắt đầu kết nối Internet. Hai năm sau, Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời đánh dấu bước chuyển tư duy rất lớn của Nhà nước, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển. Trước đó, quy trình thành lập doanh nghiệp rất phức tạp, đòi hỏi cả tiền kiểm lẫn hậu hiểm. Luật mới cho phép chỉ cần hậu kiểm, đánh dấu bước cải cách rất lớn vì dễ dàng thành lập doanh nghiệp.

Lúc đó tôi đang làm việc ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, bài toán lớn khi đó là làm sao để thủ tục đăng ký doanh nghiệp phải nhanh, thuận tiện, tạo điều kiện cho nhóm tư nhân phát triển. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước xây dựng hệ thống liên quan đến đăng ký doanh nghiệp từ năm 1998 đến năm 2000. Sở đã cung cấp "Dịch vụ trực tuyến" sơ khai ban đầu - lúc đó gọi là đăng ký kinh doanh 1 giờ - tức từ doanh nghiệp gửi hồ sơ qua mạng, và nhận giấy phép tại Sở, trong vòng một giờ.

Trước Luật Doanh nghiệp, TP HCM chỉ có mười mấy nghìn công ty, giờ thì tăng lên mấy trăm nghìn. Đó chính là giá trị được tạo ra nhờ sự cải cách thể chế và ứng dụng hiệu quả sự phát triển của công nghệ để phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.

Quốc gia mạnh phải có nền kinh tế mạnh, mà nền kinh tế mạnh hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp. Để doanh nghiệp phát triển, chính sách phải nhất quán, thực thi phải nhanh. Nếu muốn xã hội vận hành nhanh thì quá trình ra quyết định phải nhanh, tức cần giản lược được những khâu trung gian không cần thiết thông qua ứng dụng công nghệ. Đây chính là giá trị của chuyển đổi số trong thúc đẩy sự phát triển của xã hội trong kỷ nguyên mới.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/nguoi-song-du-lieu-phai-song-4865856.html

 


Chia sẻ trên

28/03/2025 | Tác giả: Tất Đạt

TP HCM muốn doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào sàn bán online nước ngoài

Để chấm dứt tình trạng xuất khẩu phải nhờ sàn ngoại, TP HCM lên kế hoạch đưa 30.000 doanh nghiệp lên thương mại điện tử do người Việt vận hành.

29/03/2025 | Tác giả: Phương Linh

Shopee bóp chẹt shophouse

Nhà mặt phố từng được xem là 'gà đẻ trứng vàng' nhưng đang dần mất đi sức hút do người tiêu chuyển chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến.

28/03/2025 | Tác giả: Thuỳ Linh

Kinh tế tư nhân - Kinh tế Hợp tác xã: Động lực quan trọng cho phát triển bền vững

Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, từng bước đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu đáng tự hào. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển ấy chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có kinh tế hợp tác xã.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...