Nhanh chóng tìm giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế
04/07/2024 | Tác giả: LƯ TRUNG Lượt xem: 126
Để phát triển nhanh, bền vững và phấn đấu đứng vào tốp khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như cả nước, thời gian qua, Bạc Liêu đã tập trung nhiều giải pháp cho tăng trưởng kinh tế. Song, nếu một số chỉ tiêu đã đạt và vượt, thì chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) và cơ cấu kinh tế vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.
KHÓ KHĂN Ở CẢ 3 KHU VỰC KINH TẾ
Năm 2023, Bạc Liêu có 3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP, tổng sản phẩm bình quân đầu người và cơ cấu kinh tế. Theo công bố lần 2 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh 2010, năm 2023 Bạc Liêu đạt hơn 34.487 tỷ đồng, tuy tăng 7,24% so với cùng kỳ nhưng lại không đạt so với Nghị quyết đề ra (phải đạt từ 10 - 10,5%). Nguyên nhân tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, ảnh hưởng từ kinh tế thế giới phục hồi chậm và gặp nhiều trở ngại, khó khăn hơn, thậm chí một số nền kinh tế lớn có nguy cơ cao rơi vào suy thoái; các cuộc xung đột vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cộng với khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã đẩy giá nhiên liệu, phân bón, vật liệu xây dựng trong nước tăng cao... gây tác động bất lợi đến các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng ở cả 3 khu vực kinh tế quan trọng đều không đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) chỉ đạt hơn 14.416 tỷ đồng, tăng 4,89% (so với kế hoạch đề ra là tăng 5%). Khu vực công nghiệp - xây dựng (khu vực II) đạt hơn 6.579 tỷ đồng, chỉ tăng 8,17% (trong khi kế hoạch đề ra là 18,7%) và khu vực dịch vụ (khu vực III) vốn được xem là lĩnh vực năng động cũng chỉ đạt hơn 11.782 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (trong khi kế hoạch đề ra là 12,2%). Những khó khăn đã tạo ra tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023, khiến chỉ tiêu này không đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 tuy không đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng tốc độ tăng trưởng của tỉnh vẫn đứng trong tốp khá của khu vực, xếp thứ 5/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả này phản ánh sinh động sự quyết tâm và nỗ lực rất quyết liệt của cả Đảng bộ và cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân tỉnh nhà trong việc năng động, sáng tạo vượt qua các khó khăn, thách thức mà kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn đã chứng minh điều đó. Trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và kịp thời ban hành các giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giữ vai trò quyết định, thể hiện qua việc tổ chức các hội nghị gỡ khó ngay từ đầu năm để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu gắn với huy động nhiều nguồn lực trong thu hút, mời gọi đầu tư…
TÍNH TOÁN PHÙ HỢP CHO CƠ CẤU KINH TẾ
Có một nội dung rất quan trọng và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế chính là cơ cấu kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2023, cơ cấu kinh tế của Bạc Liêu như sau: Khu vực I đạt hơn 24.663 tỷ đồng, chiếm trên 40% (kế hoạch gần 40%); Khu vực II đạt gần 12.069 tỷ đồng, chiếm 19,64% (kế hoạch hơn 21%) và Khu vực III đạt xấp xỉ 21.670 tỷ đồng, chiếm trên 35% (kế hoạch là 34,71%).
Theo phân tích từ các chuyên gia, nguyên nhân cơ cấu kinh tế không đạt là do tốc độ tăng trưởng các khu vực không đúng như dự tính kế hoạch ban đầu. Trong khi khu vực nông nghiệp gần đạt kế hoạch (tăng trưởng 4,98% so với chỉ tiêu 5%), thì khu vực dịch vụ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch đề ra đến 2,5%. Đặc biệt khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 8,17%, thấp hơn kế hoạch đến gần 11% (kế hoạch đề ra 18,7%). Do khu vực I và khu vực III chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và tổng của 2 khu vực này chiếm đến 75,11%, trong khi khu vực II chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng cơ cấu kinh tế, vì vậy, tốc độ tăng trưởng của khu vực I và khu vực III ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu kinh tế trong năm 2023. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của 2 khu vực này gần đạt kế hoạch, nhưng do khu vực II có tốc độ tăng trưởng khá thấp so với kế hoạch đề ra nên dẫn đến cơ cấu kinh tế không đạt.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10 - 11%/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt rất thấp trong những năm qua, năm 2021 tăng 5,05%, năm 2023 tăng 7,24%. Riêng năm 2022, kinh tế của tỉnh tuy tăng trưởng khá nhưng cũng chỉ đạt 9,6% và vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Bình quân tăng trưởng kinh tế 3 năm (2021 - 2023) chỉ tăng 7,82%/năm, mức tăng trưởng này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng bình quân mà mục tiêu Đại hội Đảng bộ khóa XVI đã đề ra. Do vậy, nhiệm vụ cho những năm còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề, riêng năm 2024 này phải đảm bảo tăng trưởng 9 - 10% như mục tiêu đã đặt ra. Đồng thời, năm 2025 phải đạt tăng trưởng từ 17,4%/năm trở lên và ngay trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn.
Từ những số liệu trên cho thấy, để hoàn thành chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP và cơ cấu kinh tế của năm 2024, cùng với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thì vai trò đóng góp trực tiếp của các địa phương là rất lớn và quan trọng. Hiện nay, Bạc Liêu đã cơ bản hình thành các vùng kinh tế trọng điểm. Nếu TP. Bạc Liêu là trung tâm của phát triển khu vực III với thương mại - dịch vụ là trọng tâm, thì TX. Giá Rai lại quyết định đến tăng trưởng ở khu vực II khi chế biến tôm công nghiệp là thế mạnh đặc thù. Với trung tâm kinh tế của vùng Bắc là huyện Phước Long thì thế mạnh thuộc về cây lúa, con tôm - tức là tập trung ở khu vực I. Đánh giá đúng thực trạng và thế mạnh này sẽ giúp các địa phương chọn được điểm nhấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, vừa phát huy được thế mạnh vừa tạo sự phát triển tương đồng cho các khu vực kinh tế.
Mặc dù hiện nay tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng nền kinh tế dự báo sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm và sản xuất - kinh doanh dự báo còn khó khăn. Nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm. Thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cả về tác động và cường độ, dịch bệnh, áp lực lạm phát... Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Vì vậy, rất cần sự tính toán hợp lý cùng những giải pháp hữu hiệu cũng như sự nỗ lực nhiều hơn từ các cấp, các ngành và các địa phương để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Theo báo Bạc Liêu
https://www.baobaclieu.vn/kinh-te/nhanh-chong-tim-giai-phap-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-93829.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn