Nhiều chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ số trong quảng bá sản phẩm
21/01/2025 | Tác giả: HỮU HUỆ Lượt xem: 5
Đến ngày 10/01/2025, toàn tỉnh có 393 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên của 250 chủ thể (32 công ty, 07 doanh nghiệp, 35 hợp tác xã; 04 tổ hợp tác và 172 hộ kinh doanh). Trong đó, có 03 sản phẩm đạt 5 sao, 07 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao và 337 sản phẩm 3 sao. Qua đó, có trên 80% sản phẩm OCOP được ứng dụng công nghệ số để quảng bá và xúc tiến thương mại như sử dụng QR code, mã vạch…
Đồng chí Phạm Tấn Hưng, Trưởng Phòng Phát triển nông thôn, bố trí dân cư (Chi cục Phát triển nông thôn) cho biết: hiện nay, các chủ thể OCOP ứng dụng khá tốt và chuyên sâu trong sử dụng công nghệ số vào phát triển quảng bá sản phẩm; đặc biệt là các sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên đạt 100% trong ứng dụng chuyển đổi số trên nền tảng quản lý, theo dõi sản phẩm và khách hàng sử dụng các thiết bị Smartphone để quét, truy cập sản phẩm…
Việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm OCOP tại Trà Vinh mang lại nhiều lợi ích, từ việc nâng cao giá trị thương hiệu đến mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với xây dựng thương hiệu và tiếp thị trực tuyến Sàn thương mại điện tử để đưa các sản phẩm OCOP lên các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki, hoặc các sàn chuyên biệt dành cho nông sản như Voso, Postmart. Đồng thời, quảng bá trên mạng xã hội như: sử dụng Facebook, TikTok, Instagram để tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài nước, kết hợp các chiến lược video marketing và livestream bán hàng. Tạo các website thương mại chuyên nghiệp để giới thiệu và bán sản phẩm, tích hợp thanh toán trực tuyến và dịch vụ giao hàng.
Điển hình như Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè, với 08 dòng sản phẩm chính từ dừa sáp gồm: dừa sáp trái hút chân không Bảo Châu; Kẹo dừa sáp (06 vị: nguyên chất, ca cao, lá dứa, sầu riêng, phô mai kem, cà phê muối); dừa sáp sợi Vicosap; dừa sáp sấy khô giòn tan; sữa chua dừa sáp sấy khô giòn tan; bánh dừa sáp 03 vị (chuối, bí đỏ, khoai lang); sữa chua uống dừa sáp; dừa sáp sấy dẻo. Các sản phẩm của Vicosap đạt được các chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm, FDA, HACCP, ISO 9001:2015, ISO 22000:2018, 09 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, 01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia…
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sử dụng QR code để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, và chất lượng sản phẩm. Đảm bảo tính minh bạch và tăng niềm tin đối với khách hàng, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Số hóa quy trình sản xuất và quản lý ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things) để giám sát và tối ưu hóa các công đoạn trong sản xuất, từ chăm sóc cây trồng, thu hoạch đến chế biến. Sử dụng phần mềm quản lý để theo dõi chất lượng sản phẩm, quản lý kho và vận hành kinh doanh…
Hợp tác xã Tiến Thành (xã Long Hòa, huyện Châu Thành) là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh”. Hiện sản phẩm với tên gọi “Gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” đã đăng ký bộ nhận diện nhãn hiệu tập thể (bao bì, tem…); nhận diện phi vật thể (Website, cơ sở dữ liệu, truy suất nguồn gốc, mã QR, tên miền…).
Theo ông Trần Văn Út Tám, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh đã được xúc tiến đưa sản phẩm tiếp cận thị trường thông qua các kênh: sàn giao dịch thương mại điện tử của Sở Công thương Trà Vinh; xúc tiến quảng bá du lịch và xúc tiến qua Hội chợ liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành trong nước, các phiên chợ triển lãm… khách hàng có thể tìm hiểu, truy xuất sản phẩm qua QR code.
Theo báo Trà Vinh
https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/nhieu-chu-the-ocop-ung-dung-cong-nghe-so-trong-quang-ba-san-pham-42739.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn