Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong những tháng cuối năm
24/11/2023 | Tác giả: NHẬT MINH Lượt xem: 322
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi, số người có việc làm tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước; triển vọng những tháng cuối năm sẽ có thêm nhiều lao động ở các nhóm ngành có việc làm.
Mới đây, tại hội thảo công bố bản tin thị trường lao động tỉnh Lâm Đồng 6 tháng đầu năm 2023 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, ông Hoàng Trọng Vinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, cho biết: Thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm 6 tháng năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cơ hội việc làm và vị trí việc làm đa dạng, nhất là việc làm trong nhóm ngành dịch vụ phong phú và sôi động. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước; bình quân thu nhập của lao động quý II/2023 là 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 430 ngàn đồng so với năm 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, số người được giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 15.000 lượt lao động, tăng 400 lượt so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tạo việc làm mới cho 6.500 lao động; lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 200 lao động, tăng 103 người so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số người thiếu việc làm trong độ tuổi 6 tháng năm 2023 là khoảng 12.100 người, giảm 1,44 ngàn người so với cuối năm 2022 và giảm 3,84 ngàn người so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, lao động trên địa bàn tỉnh tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là 81.338 người lao động, tăng 5.411 người so với cùng kỳ 2022, giảm 325 người so với cuối năm 2022.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, tuyển dụng lao động phổ thông chiếm khoảng 69% nhu cầu tuyển dụng; trong đó, nhóm nghề lao động giản đơn trong nông, lâm nghiệp tuyển dụng nhiều, chiếm tỷ trọng 32% trong tổng nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông; tiếp đến là nhân viên bán hàng, nhân viên dịch vụ khách hàng...
Triển vọng lao động những tháng cuối năm, theo phân tích của Trung tâm Dịch vụ việc làm, ngành Du lịch, dịch vụ có xu hướng tiếp tục tăng nhu cầu tuyển lao động do hiện tại cung chưa đáp ứng được cầu và tiếp diễn qua các năm. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khu vực Đà Lạt thiếu hụt lao động tất cả các trình độ đào tạo; các địa phương còn lại cũng trong đà thiếu hụt lao động thực hiện công việc chuyên môn do nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ đã và đang phát triển tại các địa phương.
Đối với ngành Nông, lâm nghiệp sẽ thiếu hụt lao động tại các vùng 2 (Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà), vùng 3 (Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc) và huyện Lạc Dương do có nhiều nhà đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, quy mô hơn và đặc biệt là lao động có kỹ năng thực hành. Đồng thời, lao động tại các khu vực này có xu hướng dịch chuyển ra thành thị hoặc hoạt động kinh tế trong ngành nghề khác.
Căn cứ tình hình năm 2022, nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành nông, lâm nghiệp tăng đột biến gần 6 lần (hơn 1.500 lao động) so với cùng kỳ cũng như 6 tháng cuối năm 2022. Dự báo, 6 tháng cuối năm 2023 nhóm ngành nông nghiệp tuyển dụng khoảng 1.500 lao động.
Đối với ngành Công nghệ thông tin, máy tính: Có xu hướng cần thêm nhiều lao động qua đào tạo có kỹ năng nghề cao (cao đẳng, đại học) sẽ có nhiều cơ hội việc làm do yêu cầu chuyển đổi số, số hóa trong các hoạt động quản lý, kinh doanh, sản xuất. Theo đó, hầu hết doanh nghiệp đều cần ít nhất 1 nhân viên ngành máy tính hoặc được trang bị kỹ năng về công nghệ thông tin .
Còn đối với các nghề khác như nhân viên bán hàng, kế toán, tài chính trình độ đại học tiếp tục có nhiều cơ hội việc làm do đã và đang có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng và trong khi nguồn cung hiện tại vẫn chưa đáp ứng. Dự báo 6 tháng cuối năm cũng như trong quý I/2024, thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng 300 lao động qua đào tạo từ trình độ cao đẳng trở lên.
Lao động có kỹ năng nghề như thợ thủ công, công nhân kỹ thuật (hàn, cắt gọt kim loại, xây tô hoàn thiện công trình, sửa chữa dân dụng đáp ứng yêu cầu cá nhân, sửa chữa động cơ) cũng có nhiều cơ hội việc làm trên thị trường lao động do trong 6 tháng qua, nhóm này cũng chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tuyển dụng. Trong đó, thông thường quý I và quý IV hàng năm, thị trường lao động luôn thiếu hụt lao động có kỹ năng nghề đáp ứng cho nhóm tuyển dụng phục vụ nhu cầu hộ gia đình, dịch vụ cá nhân (nhu cầu bình quân mỗi quý cần 1.000 lao động)...
Theo báo Lâm Đồng
https://baolamdong.vn/xa-hoi/202310/nhieu-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-trong-nhung-thang-cuoi-nam-317274a/