Nhiều hộ dân ở Nam Định chuyển sang nuôi ốc hương
13/04/2024 | Tác giả: Nguyễn Lành Lượt xem: 359
Với ưu điểm dễ quản lý, chăm sóc, được thị trường ưu chuộng, những năm gần đây, nhiều hộ dân của tỉnh Nam Định đã dần thay thế những con nuôi truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm cho giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Phạm Văn Cường ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu đã chuyển đổi 1.500m2 ao nuôi tôm sang nuôi ốc hương thương phẩm từ năm 2023. Ông Cường cho biết, do biến đổi khí hậu, con tôm dễ ảnh hưởng bởi thời tiết dẫn đến hay bị bệnh, tỷ lệ chết cao, thu nhập bị ảnh hưởng, không ổn định. Sau tìm hiểu thị trường, nhận thấy ốc hương đang là đối tượng nuôi mới được thị trường ưu chuộng, giá bán khá cao nên gia đình đã chuyển sang nuôi ốc hương.
Gia đình ông xây dựng hệ thống ao nổi lót bạt đáy, trải nền cát từ 15 - 20cm trên có mái che. Với hệ thống ao như vậy có thể nuôi ốc với mật độ dày, kiểm soát được thức ăn và đảm bảo vệ sinh trong ao. Ông Cường cho hay, vấn đề cần chú ý nhất khi nuôi ốc hương là nguồn nước. Mặc dù đây là đối tượng chịu được độ mặn trong nước cao, tuy nhiên nguồn nước phải đảm bảo sạch, không lẫn tạp chất hoặc bị ô nhiễm.
Giai đoạn đầu khi ốc hương còn nhỏ, phải đảm bảo trong ao không có các loài cá tạp, hàu, vì đây là những loại địch hại của ốc. Do con nuôi này sử dụng thức ăn tươi như ruột hàu, cá vụn nên việc đảm bảo nguồn nước cũng là yếu tố quan trọng để ốc không bị nhiễm bệnh. Ao nuôi cần thay nước thường xuyên, tránh để ô nhiễm, không để tảo, rêu phát sinh. Bên cạnh đó cũng phải chú ý đến nhiệt độ của nước. Nếu thời tiết nắng nóng cần chạy quạt nước đảm bảo oxi và liên tục theo dõi các yếu tố như độ pH, độ kiềm...
Nghề nuôi ốc hương đang phát triển ở nhiều địa phương ven biển tỉnh Nam Định, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những cơ sở, hợp tác xã nuôi ốc hương quy mô lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
Hai năm trở lại đây, Hợp tác xã Nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy sản An Hòa, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu đã đứng ra liên kết tiêu thụ ốc cho thành viên trong hợp tác xã với diện tích nuôi khoảng 12ha. Sản phẩm ốc hương của hợp tác xã được các nhà hàng, đại lý trong và ngoài tỉnh đặt hàng thu mua, có thời điểm lượng cung không đủ cầu.
Theo ông Nguyễn Minh Trưởng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy sản An Hòa, thực tế cho thấy, ốc hương thích nghi, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện môi trường nuôi ở vùng ven biển địa phương. Con nuôi này ít bị dịch bệnh. Nếu tuân thủ các biện pháp chăm sóc, người dân có thể nuôi hai vụ ốc mỗi năm.
Ước tính, một m2 ao nuôi sẽ cho thu hoạch khoảng 5kg ốc thương phẩm với khoảng 90 - 100 con/kg. Mỗi ha nuôi ốc hương sẽ cho thu hoạch khoảng 50 tấn. Giá bán dao động từ 250.000 - 350.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. So với tôm thẻ chân trắng, nuôi ốc hương nhàn hơn, thời gian quản lý ít, chi phí thức ăn thấp và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Trưởng chia sẻ, nếu đảm bảo điều kiện chăn nuôi, người dân có thể căn thời gian chăm sóc sao cho vụ thu hoạch ốc vào các dịp lễ, Tết, khi đó nhu cầu tiêu thụ cao vừa dễ dàng bán ốc và giá cũng cao hơn bình thường.
Để chủ động sản xuất cũng như đảm bảo nuôi trồng bền vững, hai năm trở lại đây, ông Trưởng tiến hành ương dưỡng con giống ốc hương để cung cấp cho thành viên trong hợp tác xã và người nuôi trồng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ông cũng đứng ra ký kết hợp đồng mua bán với các thương lái, đại lý để đảm bảo đầu ra cho các thành viên.
Hiện nay, hợp tác xã đang áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAP, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Ông Trưởng cho rằng, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế… Đặc biệt, khi lắp đặt, sử dụng hệ thống mái che, hệ thống lọc nước đã quyết định 80% thành công mô hình nuôi ốc hương mà ông và các thành viên trong hợp tác xã đang áp dụng.
Với thị trường tiềm năng cùng giá trị kinh tế cao, ốc hương đang được nhiều hộ dân ở Nam Định nuôi và mở rộng diện tích ao nuôi. Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn địa phương, đây là đối tượng con nuôi mới nên việc nuôi, mở rộng diện tích cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng cả về thị trường cũng như việc đảm bảo điều kiện nuôi nhằm tránh việc ốc nhiễm bệnh, bị chết. Các hộ dân cần tính toán kỹ yếu tố tác động như điều kiện môi trường nước, khả năng tiêu thụ... để đảm bảo tính bền vững, mang lại giá trị, không để xảy ra tình trạng phát triển nóng, cung vượt cầu bị thương lái ép giá...
Ông Mai Đăng Nhân, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định thông tin, toàn tỉnh có khoảng 100 hộ nuôi ốc hương. Hiện tại, ốc hương đang là con nuôi có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Dù vậy, đây là đối tượng nuôi yêu cầu độ mặn ở mức cao và ổn định. Do đó, người dân phải nghiên cứu kỹ về khu vực nuôi, đảm bảo nguồn nước lấy vào cũng như cần đầu tư khu nuôi trồng bài bản, đúng kỹ thuật để việc nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Tin tức
https://baotintuc.vn/dia-phuong/nhieu-ho-dan-o-nam-dinh-chuyen-sang-nuoi-oc-huong-20240410092152184.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn