Nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và y tế
25/07/2024 | Tác giả: Dũng Chinh Lượt xem: 161
Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai Kế hoạch số 207 ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh về tổ chức phong trào thi đua “Đồng Tháp đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan hành chính, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến...
Thời gian qua, tỉnh quan tâm chuyển đổi số trên một số lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) mang lại nhiều kết quả thiết thực. Ngành GD&ĐT tỉnh từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung; triển khai áp dụng mô hình Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học (STEM), Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Nghệ thuật - Toán học (STEAM); số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham gia học tập suốt đời. Theo Sở GD&ĐT, đến nay 100% các cơ sở giáo dục từ cấp Tiểu học đến THPT đã cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đồng thời tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, tổ chức các hội thi về giáo dục STEM. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện được 5.911 tiết học STEM/STEAM với gần 90.000 học sinh tham gia. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được 465/595 cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (đạt 78,18%).
Các cơ sở giáo dục từ cấp Tiểu học đến THPT hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt trên 70%. Toàn tỉnh có 338/416 trường phổ thông có xây dựng học liệu số, giáo viên đã xây dựng được 18.143 học liệu số. Trong năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT triển khai hệ thống học liệu thông minh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (https://hoclieu.vn) đến 416 trường Tiểu học, THPT sử dụng nguồn học liệu đáp ứng 30% học liệu. 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan, các cơ sở giáo dục trực thuộc được thực hiện trên nền tảng quản trị số (hệ thống iDesk). Toàn ngành GD&ĐT tỉnh có hơn 11.000 cán bộ quản lý và giáo viên được trang bị chữ ký số, hiện các cơ sở giáo dục đã và đang làm thủ tục chờ Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục cấp chữ ký số. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tập huấn về bảo mật an toàn thông tin trên nền tảng Onetouch. Triển khai 2 khóa học chuyển đổi số trên hệ thống Onetouch.vn gồm: chuyển đổi số giáo dục có 11.448 giáo viên tham gia, hoàn thành khóa học; giảng dạy kỹ năng số và an toàn trên internet có 10.606 cán bộ quản lý và giáo viên được cấp Giấy chứng nhận.
Việc chuyển đổi số đối với lĩnh vực y tế, ngành y tế tỉnh tập trung nâng cao chất lượng khám và điều trị, ngăn ngừa dịch bệnh, từng bước tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế giữa khu vực nông thôn và thành thị. Xây dựng hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh, mô hình bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử cho các bệnh viện, trung tâm y tế, quản lý chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Song song đó, ngành y tế đầu tư nâng cấp hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh; đào tạo, huấn luyện về y tế thông minh, an ninh mạng và xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định y học lâm sàng, cũng như hoàn thiện hệ thống kết nối trực tuyến với các bệnh viện lớn của vùng, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 38 ngày 29/2/2024 về thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực y tế năm 2024 và Kế hoạch số 64 ngày 17/4/2024 về cải thiện tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án: xây dựng hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh ngành y tế; triển khai bệnh án điện tử cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự và Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười. Đồng chí Đoàn Tấn Bửu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Hệ thống thông tin ngành y tế và hệ thống chẩn đoán bệnh từ xa được áp dụng cho 22/165 cơ sở ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, giúp Sở và các cơ sở y tế tuyến trên có thể theo dõi, hỗ trợ khám điều trị bệnh cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Toàn tỉnh hiện có 103/165 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thanh toán phí, viện phí. Hệ thống điều hành y tế thông minh kết nối đến 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập, 86% dân số đã có hồ sơ sức khỏe điện tử...”.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, Đồng Tháp nằm trong nhóm 25, đến năm 2030 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất cả nước và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tỉnh lựa chọn nông nghiệp, giáo dục, y tế là 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để tập trung thực hiện chuyển đổi số.
Theo Báo Đồng Tháp
https://www.baodongthap.vn/chuyen-doi-so/nhieu-ket-qua-noi-bat-trong-thuc-hien-chuyen-doi-so-linh-vuc-giao-duc-va-y-te-123913.aspx
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn