Nhiều lĩnh vực kinh tế tăng trưởng vượt bậc
20/07/2024 | Tác giả: Đ. LÂM Lượt xem: 164
Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Khánh Hòa có tốc độ tăng trưởng nằm trong top đầu của cả nước. Trong đó, các lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, xây dựng, xuất khẩu và thu ngân sách đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Những con số ấn tượng
6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần từng bước hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội của cả năm 2024. Các chỉ tiêu, lĩnh vực kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tăng cao nhất là lĩnh vực công nghiệp với 46%. Một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như điện sản xuất tăng gấp 7,6 lần (do Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã đi vào khai thác, vận hành hết công suất); bia các loại tăng 11,9%; đường các loại tăng 11,5%; thủy sản đông lạnh tăng 15%… Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, bên cạnh chỉ số công nghiệp tăng mạnh, thời gian vừa qua, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đang triển khai như: KCN Ninh Thủy , CCN Trảng É 2 , CCN Diên Thọ giai đoạn 2 , CCN Ninh Xuân; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN, CCN đã được hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt 62.585,4 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 17%. Đặc biệt, du lịch Khánh Hòa đã triển khai hàng loạt các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa phương của Trung Quốc (Thượng Hải, Chiết Giang), Kazakhstan, Thái Lan... Tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, hãng lữ hành của nước ngoài đến khảo sát du lịch Khánh Hòa (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…); phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh và các hãng hàng không, nghiên cứu, xây dựng các chương trình tour, gói combo du lịch khuyến mãi, giá ưu đãi nhằm kích cầu thu hút khách du lịch đến với Khánh Hòa trong năm 2024. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày có 17 chuyến bay từ Hàn Quốc; 16 chuyến bay từ Trung Quốc; các thị trường như Thái Lan, Kazakhstan, Malaysia có từ 5 đến 7 chuyến/tuần đến Khánh Hòa. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 26.072 tỷ đồng, tăng 97%. Khánh Hòa đã đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2,4 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ….
Phấn đấu duy trì mức tăng trưởng ở 2 con số
Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, dưới sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy cùng với sự giám sát, đồng hành của HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực công tác; do đó, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương quyết liệt triển khai và thực hiện đồng bộ các nghị quyết của Chính phủ, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỉ trọng gia công, lắp ráp. Tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn, để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong 6 tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương; triển khai những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững.
Cụ thể, về nông, lâm, thủy sản phải thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Hoàn thiện Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, các sở, ngành, phải đẩy mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng cường hoạt động hỗ trợ việc ứng dụng các máy móc trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ mới sản xuất sản phẩm mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có.
Đối với thương mại, dịch vụ và du lịch, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, khai thác thị trường tiềm năng. Phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch cả nội địa và quốc tế, khôi phục và đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á.
Ngoài ra, còn phải đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, nhất là các quy hoạch phân khu tại Khu Kinh tế Vân Phong và trên địa bàn đô thị mới Cam Lâm. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo phân cấp, đúng thẩm quyền quy định.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2024, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu duy trì đà tăng trưởng trên 10% và thực hiện tốt nhiều dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương phải xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh đầu tư công. Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, CCN, các dự án đô thị, nghỉ dưỡng... tạo việc làm, tăng thu ngân sách tại Khu Kinh tế Vân Phong. "Trong 6 tháng đầu năm, Khánh Hòa vẫn giữ được mức tăng trưởng ở 2 con số. Trong 6 tháng cuối năm, phải cố gắng để Khánh Hòa tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ở 2 con số. Các hoạt động tổ chức kích cầu, đổi mới, tăng thêm các sản phẩm du lịch, các hoạt động văn hóa sẽ phải thực hiện mạnh mẽ hơn. UBND tỉnh sẽ tập trung cao nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành; lĩnh vực nào còn có vướng mắc sẽ tháo gỡ lĩnh vực đó", ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ước tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 2 cả nước; trong đó GRDP theo ngành kinh tế ước tăng 13,8%. GRDP các khu vực kinh tế công nghiệp và xây dựng tăng 28,8% (trong đó công nghiệp tăng 35,3%); dịch vụ tăng 8,8%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 9.370,8 tỷ đồng, bằng 56,2% dự toán và tăng 23%; trong đó thu nội địa là 7.600,8 tỷ đồng, đạt 52,1% dự toán và tăng 15,9%; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 32.899,2 tỷ đồng, tăng 10,3%.
Theo Khánh Hòa
https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202406/khanh-hoa-nhieu-linh-vuc-kinh-te-tang-truong-vuot-bac-4ce0adc/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn