Nhiều người nhiễm sốt xuất huyết ít triệu chứng

Nhiều người nhiễm sốt xuất huyết ít triệu chứng

14/07/2022 | Tác giả: Hoàng Trang Lượt xem: 272


Dịch sốt xuất huyết vào mùa, nhiều người nhiễm bệnh có triệu chứng mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Nhiều người nhiễm sốt xuất huyết ít triệu chứng

Anh Vũ Việt Linh, 35 tuổi, cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh TP HCM trong đêm vì đau đầu dữ dội, nhức mỏi người. Gia đình lo lắng tình trạng đột quỵ, mong muốn thực hiện phương pháp chẩn đoán MRI để tầm soát. Tuy nhiên, bác sĩ kiểm tra, không có dấu hiệu của tình trạng yếu liệt hay đột quỵ. Tính chất đau đầu, nhức mỏi người gợi ý tình trạng nhiễm siêu vi. Thời điểm cao điểm dịch sốt xuất huyết nên người bệnh được chỉ định xét nghiệm máu tìm virus Dengue (virus gây bệnh sốt xuất huyết).

Thạc sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Nhã Khanh, khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy anh Linh dương tính với sốt xuất huyết. Chỉ số tiểu cầu giảm nhẹ còn 118.000 tế bào/micro lít máu (thường từ 150.000-450.000 tế bào/micro lít máu). Sau 2 ngày điều trị, người bệnh hết đau đầu, nhức mỏi, những nốt ban bắt đầu xuất hiện.

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận anh Đặng Quang Nhân, 50 tuổi đến cấp cứu trong tình trạng chảy máu mũi, bụng đau râm ran nhưng không sốt, không nổi ban. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định bù dịch. Xét nghiệm sốt xuất huyết, phân tích tế bào máu ngoại vi, siêu âm ổ bụng,... phát hiện người bệnh nhiễm sốt xuất huyết.

Chuyên gia cho biết, thông thường tình trạng xuất huyết diễn ra theo trình tự bằng phát ban dưới da, nổi mẩn đỏ rải rác ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, bụng hoặc xuất hiện mảng bầm tím trên da,... Ở mức độ nặng hơn, máu mới chảy tự nhiên qua mũi (chảy máu cam), chảy máu chân răng. Trong khi trường hợp của anh Nhân thì chỉ có chảy máu cam, triệu chứng không rõ ràng.

Bác sĩ Khanh thông tin những tuần qua, khoa Cấp cứu tiếp nhận nhiều người lớn sốt xuất huyết. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nặng nhưng không có triệu chứng điển hình. Bệnh có 4 chủng virus dengue DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4, với các mức độ triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Ngoài ra, do người bệnh chủ quan. Giai đoạn đầu sốt xuất huyết có thể xuất hiện triệu chứng như đau đầu, đau nhức mỏi cơ thể. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu bệnh cảm cúm, sốt siêu vi nên người bệnh dễ bỏ qua.

Bệnh nhi 12 tuổi, nhiễm SXH điều trị tại BVĐK Tâm Anh được kiểm tra ban da. Ảnh: Tuệ Diễm

Trong số bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại khoa Nhi, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, đau bụng dữ dội. ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, ai cũng có nguy cơ bị sốt xuất huyết. Tuy nhiên trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch yếu, bệnh lý nền là những đối tượng cần được quan tâm hơn vì bệnh sẽ dễ dàng tiến triển nặng, gây biến chứng tổn thương mạch máu, xuất huyết ồ ạt, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Khi nhập viện, người bệnh mắc sốt xuất huyết cần thực hiện xét nghiệm máu mỗi ngày để xem xét chỉ số tiểu cầu, men gan. Nếu chỉ số tiểu cầu giảm xuống 50.000 tế bào/microlit dễ gây những triệu chứng xuất huyết như: chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết nội tạng... Ở mức độ nặng, bệnh có thể gây ra biến chứng xuất huyết não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không phát hiện kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong thời điểm dịch sốt xuất huyết gia tăng, người dân cần chú ý dấu hiệu cảnh báo bao gồm: mệt mỏi, khó chịu dù giảm sốt hoặc hết sốt; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, chân răng hoặc các vị trí khác... Thực tế, không phải người bệnh nào cũng có biểu hiện sốt cao hay nổi nốt ban trên người. Do đó, khi thấy đau đầu, sốt cao, đau nhức cơ thể... kéo dài 2 ngày không đỡ, người bệnh cần đi khám, tránh biến chứng nghiêm trọng.

Ngoài ra, người bệnh không nên dùng nhóm thuốc giảm đau NSAID (Aspirin, diclofenac, ibuprofen, piroxicam, meloxicam...) để hạ sốt, giảm đau, tránh làm tình trạng xuất huyết chuyển biến nặng hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết tăng trên 30 lần trong vòng 50 năm qua. Châu Mỹ, châu Á là 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng sốt xuất huyết năm 2022. Theo thống kê của WHO, dẫn đầu về số ca mắc là Brazil, Peru, Việt Nam...

Bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) từng cho biết, khoảng 70-95% bệnh nhân sốt xuất huyết không có triệu chứng, thậm chí không sốt. Do đó, người bệnh cần theo dõi sát để phát hiện dấu hiệu cảnh báo, nếu có cần nhập viện ngay lập tức.

Theo báo Vnexpress

https://vnexpress.net/nhieu-nguoi-nhiem-sot-xuat-huyet-it-trieu-chung-4487433.html


Chia sẻ trên

14/07/2022 | Tác giả: Anh Vũ

Hơn 600 vị trí việc làm tại Nhật Bản cho sinh viên

Tại Ngày hội việc làm Nhật Bản 2022 tại Đà Nẵng, 12 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký và tham gia tuyển dụng nhân lực với hơn 600 vị trí.

14/07/2022 | Tác giả: Huy Đức

Nokia ra ba điện thoại 4G giá dưới 2 triệu đồng

2660 Flip, 5710 XpressAudio và 8210 4G có thiết kế lấy cảm hứng từ các mẫu điện thoại cổ điển của Nokia nhưng chạy hệ điều hành Symbian 30+.

13/07/2022 | Tác giả: Thi Hà

Nhập khẩu phân bón từ Nga tăng đột biến

Bất chấp dịch bệnh và căng thẳng chiến sự, phân bón từ Nga xuất sang Việt Nam 5 tháng đầu năm gần 87 triệu USD, tăng gần 60% so cùng kỳ năm ngoái.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...