Nhức nhối tình trạng mạo danh mã số vùng trồng của HTX
14/09/2022 | Tác giả: Huyền Trang Lượt xem: 387
Dù đã có bài học từ mạo danh mã số vùng trồng xoài ở Đồng Tháp, thanh long Bình Thuận… nhưng hiện nay vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng mạo danh mã số vùng trồng sầu riêng của HTX, doanh nghiệp nhằm đưa loại nông sản này xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
HTX cây ăn trái Krông Pắc là một trong những mô hình kinh tế tập thể đang bị một doanh nghiệp mạo danh và tự ý lấy mã số vùng trồng để làm thủ tục, hồ sơ xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
HTX không ủy quyền xuất khẩu
Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc HTX cây ăn trái Krông Pắc cho biết dù đã được phía Trung Quốc kiểm tra và cấp mã số vùng trồng nhưng HTX và đơn vị liên kết là công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn vẫn đang hoàn thành những thủ tục tiếp theo để đưa những quả sầu riêng đầu tiên đi đường chính ngạch vào cuối tháng 9 này.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi, HTX nhận được thông tin tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn hiện có hai container sầu riêng của Công ty TNHH An Khang (số 28 Nam Quan Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn) sử dụng mã số vùng trồng của HTX.
Theo giấy tờ do Công ty An Khang cung cấp cho phía Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng VII-Lạng Sơn, mã số vùng trồng của hai lô hàng sầu riêng của công ty này là VN-ĐLOR-0071 và được ủy quyền từ Công ty TNHH MTV trái cây Thủy (địa chỉ tại 75, ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông, huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang).
Tuy nhiên theo ông Lê Minh Tâm, phê duyệt từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mã số VN-ĐLOR- 0071 với tên vườn Krong Pak Fruit Cooperative đã được cấp cho HTX cây ăn trái Krông Păk (địa chỉ ở thôn Tân Đông, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Và mã số vùng trồng của HTX là một trong số 16 mã số vùng trồng mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt hôm 7/9/2022.
Trước tình trạng trên, HTX cây ăn trái Krông Pắc và công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn đã phải gửi công văn lên Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhằm khẳng định đến thời điểm hiện tại, HTX và doanh nghiệp không ủy quyền cho Công ty TNHH An Khang sử dụng mã số vùng trồng VN-ĐLOR-0071 nhằm xuất khẩu sản phẩm sầu riêng của HTX sang Trung Quốc.
Hiện tại và trong thời gian tới, để phục vụ cho lô hàng xuất khẩu sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc, HTX sẽ triển khai ký kết với doanh nghiệp liên kết là Công ty Dũng Thái Sơn và làm đúng theo hướng dẫn của Cục bảo vệ thực vật. Nếu tiến hành ủy quyền mã số vùng trồng cho đơn vị xuất khẩu nào khác, HTX sẽ có văn bản thông báo lên Cục Bảo vệ thực vật theo đúng quy định.
Ngoài HTX Krông Pắc và công ty Dũng Thái Sơn, hiện còn có công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm cũng đang bị một số đơn vị mạo danh và tự ý lấy mã số vùng trồng của doanh nghiệp này làm thủ tục, hồ sơ xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang Trung Quốc khi chưa có sự ủy quyền của công ty Thiện Tâm.
Chưa XK chính ngạch
Trước thực trạng trên, ThS. Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước khi lô hàng đầu tiên được xuất khẩu, Cục bảo vệ thực vật phải gửi danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phía Trung Quốc phê duyệt.
Ngoài ra còn hàng loạt các công đoạn từ thu hoạch, chế biến, đóng gói sầu riêng, bảo quản, cấp mã số chuyến, kiểm dịch trước xuất khẩu… các công đoạn này đều cần phải giám sát theo quy trình để bảo đảm không xảy ra sai sót vì đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Và muốn ra được "biển lớn" thì phải làm đúng quy trình và ngay từ giấy tờ, hồ sơ.
Chính vì vậy mà dù Trung Quốc mới phê duyệt 76 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng cho HTX, doanh nghiệp nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có lô hàng nào trong các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên được phép xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Việc một số xe đưa sầu riêng lên đến cửa khẩu và “mượn” mã số vùng trồng của HTX, doanh nghiệp khác đang làm ảnh hưởng đến ngành hàng xuất khẩu sầu riêng và sự cố gắng của các HTX, doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong khi hiện nay, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng chỉ được làm thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng xuất khẩu có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đứng tên tổ chức/cá nhân sở hữu mã số.
Trường hợp tổ chức cá nhân xuất khẩu lô hàng không phải là chủ sở hữu mã số thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức/cá nhân đại diện mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho công ty xuất khẩu.
Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng nếu làm đúng quy trình, đơn vị nào mạo danh mã số vùng trồng sẽ bị phát hiện ngay khi đưa hàng lên cửa khẩu vì danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đều được cập nhật liên tục và được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu của Cục Bảo vệ thực vật, hải quan...
Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói bằng công nghệ nên họ rất dễ phát hiện vi phạm. Khi đó, Trung quốc sẽ thông báo dừng ngay mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đó, thậm chí sẽ ngừng nhập khẩu cả ngành hàng sầu riêng của Việt Nam nếu vi phạm nhiều lần.
Mượn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gây hậu quả nghiêm trọng như vậy nhưng dường như câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết. Và thực tế đã có không ít HTX làm ăn chân chính bị ảnh hưởng bởi việc giả mạo mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói như HTX Xoài Mỹ Xương, HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng…
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chưa thực sự chặt chẽ. Và hiện cũng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm sử dụng mã số vùng trồng khi chưa được chủ sở hữu đồng ý.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng nông sản có thể được thông quan sang Trung Quốc khi không có xác nhận của doanh nghiệp nhập khẩu mà chỉ căn cứ trên mã số vùng trồng đăng ký với hải quan. Hay hàng được thông quan mà không cần sự xác nhận của chủ mã vùng trồng do phía hải quan Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc chưa phối hợp chặt chẽ.
Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng trà trộn hàng hóa, mạo danh mã số vùng trồng. Nhiều khi HTX, doanh nghiệp đứng tên mã số vùng trồng thật chỉ xuất khoảng 5 container nhưng đến tay người tiêu dùng cuối cùng ở Trung Quốc, số lượng lại tăng lên nhiều lần.
Với mong muốn xuất khẩu bền vững, các HTX, doanh nghiệp làm ăn chân chính cho rằng, trước tiên cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về các biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị vi phạm sử dụng mã số vùng trồng khi chưa được chủ sở hữu đồng ý.
Bên cạnh đó, muốn xuất khẩu chính ngạch bền vững thì không thể làm ăn chộp giật mà phải đưa vào nề nếp, có hợp đồng thỏa thuận việc thông quan và thanh toán, giảm sự phụ thuộc và rủi ro tối đa cho phía Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Quy, đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu Dung Điệp (tỉnh Bình Dương) cho rằng, hiện nay những mã số vùng trồng và cơ sở xuất khẩu sang các thị trường lớn khác đều được bảo mật, chỉ doanh nghiệp, vùng trồng được cấp biết. Nên chăng việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng cần bảo mật để tránh tình trạng gian lận?
Theo Vnbusiness
https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/nhuc-nhoi-tinh-trang-mao-danh-ma-so-vung-trong-cua-htx-1087856.html