Ninh Bình bảo tồn và phát huy nguồn lực di sản
28/11/2023 | Tác giả: Thùy Vân Lượt xem: 182
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 78 di tích Quốc gia, 314 di tích cấp tỉnh, 1 Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới và 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những nguồn lực quan trọng để nhận diện thương hiệu địa phương. Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản đã đạt được những kết quả quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã xác định tập trung bảo tồn, phát huy di sản bền vững, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2021 đến nay, Ninh Bình đã dành hơn 136 tỷ đồng cho việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, góp phần làm gia tăng giá trị văn hóa cho các di tích, giáo dục truyền thống, lịch sử; quảng bá, thu hút khách tham quan. Các di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm lập các Đề án, dự án bảo tồn và phát huy giá trị, như các di sản: Lễ hội Hoa Lư, Nghệ thuật hát Xẩm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật hát Rằng Thường của người Mường.
Đặc biệt, dựa trên giá trị các di sản, nhiều sản phẩm văn hóa mới, độc đáo đã được xây dựng gắn với các khu, điểm, tour, tuyến du lịch. Từ đây mở ra hướng đi mới trong phát huy giá trị di sản địa phương, để văn hóa là sức mạnh nội sinh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh.
Nguồn thu từ phát triển du lịch văn hóa ngày càng gia tăng. Hàng nghìn cư dân địa phương có nguồn sinh kế ổn định từ việc phát huy giá trị di sản của quê hương.
Cân bằng giữa bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, đầu tư có chiều sâu cho văn hóa đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình triển khai thực hiện, sẽ tạo nên sức mạnh mềm trong phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới./.
Theo Đài PT&TH Ninh Bình
https://nbtv.vn/ninh-binh-bao-ton-va-phat-huy-nguon-luc-di-san-64997.html