Ninh Bình: Tiếp sức cho thanh niên phát triển kinh tế
08/07/2023 | Tác giả: HẢI YẾN Lượt xem: 241
Nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND, ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều thanh niên địa phương phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
"Đòn bẩy" giúp thanh niên phát triển kinh tế
Nhận thấy tảo xoắn Spirulina là thực phẩm tốt cho sức khỏe, anh Nguyễn Văn Biên (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) quyết định tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư sản xuất loại tảo này. Được thị trường đón nhận, tháng 3/2020, vợ chồng anh Biên thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất nhờ nguồn vốn vay 300 triệu đồng thông qua tổ chức Đoàn.
Hiện nay, trên diện tích hơn 1.000m2, vợ chồng anh Biên đã tiến hành khoan nước ngầm, lắp đặt hệ thống xử lý nước công nghệ RO, đầu tư sản xuất theo hệ thống nuôi tảo ngoài trời bằng nhà kính được xây dựng hiện đại có đầy đủ trang thiết bị cần thiết, mái che bằng màng công nghệ Israel, xung quanh quây bằng lưới, có che nắng tự động. Nhờ việc bán các sản phẩm từ tảo xoắn Spirulina, vợ chồng anh Biên đã thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phạm Văn Sơn (xóm 1, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn) là một trong những thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 43. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất trù phú ven biển huyện Kim Sơn, nơi có nhiều điều kiện phát triển nghề nuôi thủy sản, anh Sơn không chọn thành phố lớn để khởi nghiệp mà về quê nhà để tiếp nối nghề của gia đình. Khởi sự bằng nuôi tôm, đến cuối năm 2019, anh cùng người thân quyết định chuyển hướng sang nghề ương hàu giống. Tuy nhiên để sản xuất thành công hàu giống, người nuôi cần có cơ sở vật chất, máy móc hiện đại, được đầu tư đồng bộ.
Anh Phạm Văn Sơn cho biết, khi quyết định chuyển sang ương hàu giống, anh cần nguồn vốn lớn để xây dựng các bể ương, ao sản xuất, các công trình phụ trợ cùng hệ thống máy móc quy mô. Nguồn vốn huy động được từ gia đình, người thân và bạn bè không đủ. Vì vậy, khi nghe tin hồ sơ xin vay vốn thông qua tổ chức Đoàn thanh niên được xét duyệt, anh rất phấn khởi. Từ khoản vay 200 triệu đồng cùng với nguồn vốn của gia đình, anh đã đầu tư xây dựng mô hình ương nuôi hàu giống. Nhờ được đầu tư bài bản nên từ khi bắt đầu làm đến nay, vụ nào gia đình anh cũng có lãi.
Gia đình anh Sơn có ao sản xuất 500m2, các công trình phụ trợ gồm 5 ao ương hàu, hệ thống bể tảo, bể lọc, bể chứa nước cùng nhiều máy móc như: quạt khí, máy bơm, máy sục khí... Năm 2022, do Covid-19 đã được kiểm soát, việc giao thương thuận lợi cộng thêm hàu giống khá "đắt khách", gia đình anh thu về gần 2 tỷ đồng lợi nhuận. Việc nuôi hàu giống giúp cuộc sống của gia đình anh thêm sung túc, trở thành hộ khá, giàu của địa phương.
Sau 4 năm triển khai Nghị quyết số 43, chủ của trên 500 mô hình thanh niên phát triển kinh tế trong tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này. Đây thực sự là "đòn bẩy" giúp các mô hình phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; đồng thời, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên.
Đề xuất nâng mức vay hỗ trợ
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và Tỉnh Đoàn Ninh Bình, thực hiện Nghị quyết số 43 đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động tại địa phương, mức thu nhập bình quân đầu người ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Tính đến tháng 12/2022, 100% đối tượng vay vốn đều thực hiện nghiêm túc việc trả lãi hàng tháng, trả nợ phân kỳ theo đúng thỏa thuận, không có mô hình nào phải xử lý rủi ro, phát sinh nợ quá hạn và lãi tồn.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Bình Nguyễn Đức Hiệp cho biết, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43, bên cạnh chức năng làm "cầu nối", các cấp bộ Đoàn đã làm tốt việc tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu nghề nghiệp... cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, Tỉnh Đoàn đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay. Nhờ đó, nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên sau khi được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 43 đã phát triển mạnh, trở thành mô hình tiêu biểu tại địa phương. Qua đó, thanh niên được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh; mang lại hiệu quả thiết thực, khuyến khích, tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên mạnh dạn trong học tập, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức 3 đoàn khảo sát mô hình, dự án của thanh niên được vay vốn theo Nghị quyết 43 tại 8 huyện, thành phố. Đoàn đã khảo sát trực tiếp 40 mô hình và gửi 160 mẫu phiếu điều tra trong tổng số trên 500 mô hình khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh của thanh niên được vay vốn trong toàn tỉnh. Qua khảo sát cho thấy, nguồn vốn vay cho thanh niên còn hạn chế so với tình hình thực tế và nhu cầu vay vốn, mức vay còn thấp. Nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật.
Từ thực tế đó, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các sở, ngành đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 43 và Đề án số 29/ĐAUBND về việc hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn. Trong đó, đề xuất nâng mức vay không phải bảo đảm tiền vay từ 50 triệu đồng lên tối đa 100 triệu đồng/dự án; nâng mức vốn vay đối với một dự án tối đa từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng; nâng thời hạn vay vốn lên tối đa là 10 năm. Qua đó, tiếp sức cho thanh niên phát triển kinh tế, vững bước trên con đường khởi nghiệp; đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn vốn hiện nay.
Theo Nông thôn Việt
https://nongthonviet.com.vn/ninh-binh-tiep-suc-cho-thanh-nien-phat-trien-kinh-te.ngn