Ninh Bình: Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Ninh Bình: Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động

17/07/2024 | Tác giả: Lâm Xuân Phương Lượt xem: 143


Ninh Bình: Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về công tác giải quyết việc làm được nâng lên; công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án về việc làm được chú trọng cả về nội dung và cách thức thực hiện, từng bước đưa chính sách việc làm đến với người lao động.

Trong năm 2019, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức trên 20 hội nghị tuyên truyền về việc làm, xuất khẩu lao động; phối hợp với các cơ quan truyền thông (báo, đài phát thanh truyền hình của tỉnh và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh) thực hiện tuyên truyền các mô hình giải quyết việc làm có hiệu quả giúp người lao động biết, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 21.914 người, đạt 112,9% kế hoạch năm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hội nghị tuyên truyền đề án xuất khẩu lao động và du học nghề cho người dân tại huyên Yên Khánh

Nhằm tạo cơ hội để người lao động hướng đến những nghề có kỹ thuật, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định hơn, Sở đã chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động, mạng lưới các cơ sở giáo dục ngày càng được củng cố. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 cơ sở tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 05 trường cao đẳng, 08 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 09 cơ sở khác). Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh gắn với nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động như: cơ khí, điện tử, may công nghiệp,… được đưa vào chương trình giảng dạy không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn giúp người lao động dễ dàng tự tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Với nỗ lực đó, bình quân mỗi năm tỉnh Ninh Bình thực hiện đào tạo nghề cho trên 17.000 lao động. Riêng năm 2019, đào tạo nghề cho 17.300 lao động (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó đã tổ chức 44 lớp đào tạo nghề cho 1.551 lao động nông thôn, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52%, tỉ lệ lao động có việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng có năng suất và mức thu nhập cao hơn đạt trên 80%.

Người dân được tư vấn học nghề, việc làm

Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động phục vụ việc cung ứng nhân lực, tìm kiếm việc làm, tuyển dụng và đào tạo lao động theo nhu cầu thị trường. Hàng năm, hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, cập nhật thông tin thị trường cung - cầu lao động. Năm 2019, Trung tâm tổ chức thường xuyên hoạt động tra cứu, tìm kiếm thông tin thị trường lao động tại sàn giao dịch việc làm vào các ngày làm việc trong tuần, tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 03 hàng tháng và 02 phiên giao dịch việc làm chuyên đề, 01 phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Yên Khánh. Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với mong muốn trực tiếp cung cấp thông tin, mục đích, ý nghĩa của các phiên giáo dục việc làm; đưa thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước đến gần với người lao động, tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội gặp gỡ phỏng vấn trực tiếp và ký kết hợp đồng tuyển dụng lao động. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện ngày càng đa dạng như: Thông báo bản tin, chạy chữ trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Ninh Bình, hệ thống đài truyền thanh đa cấp; phát tờ rơi tuyển dụng lao độn, thông báo về các chương trình việc làm trong và ngoài nước; niêm yết chỉ tiêu tuyển dụng tại các điểm sinh hoạt công cộng của các khu, cụm dân cư; trực tiêp gửi chỉ tiêu tuyển dụng tới các xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm tốt vai trò hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm

Năm 2019, đã thực hiện thu thập thông tin nhu cầu lao động của 2.514 doanh nghiệp, cập nhật thông tin thay đổi phần cung lao động của 60.064 hộ gia đình trên toàn tỉnh. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, người lao động và Trung tâm dịch vụ việc làm trong việc cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hàng năm, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho gần 18 nghìn lượt lao động; gần 2.000 lao động được giới thiệu việc làm. Trong năm 2019, Trung tâm đã tư vấn được 17.958 lượt người, đạt 138% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó tư vấn việc làm là 1.240  lượt người, tư vấn học nghề 93 người, tư vấn việc làm cho lao động bảo hiểm thất nghiệp 16.625 lượt người.

Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tính đến ngày 30/11/2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận 3.514 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, đến nay đã thẩm định hồ sơ trình lãnh đạo Sở ra quyết định cho 3.339 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tư vấn lưu động cho người lao động tại huyện Nho quan

Tiếp tục triển khai có hiệu quả dự án vay vốn tạo việc làm, với mục tiêu mở rộng đối tượng thụ hưởng, nguồn kinh phí Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân, nhất là vùng nông thôn, tạo cơ hội cho nhóm lao động yếu thế (người nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất…) có cơ hội vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và người lao động khác; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn phát triển sản xuất tạo việc làm cho người lao động; góp phần khôi phục các làng nghề truyền thống. Nguồn quỹ cho vay đạt hiệu quả cao, không có vốn tồn đọng, vốn vay được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm trung bình mỗi năm cho trên 2.000 người.

Bên cạnh việc giải quyết việc làm trong nước, hoạt động xuất khẩu lao động luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Sở đã chủ động tham mưu cho Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động đi xuất khẩu như: Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 và Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về phê duyệt Đề án xuất khẩu lao động và Du học nghề tỉnh Ninh Bình. Từ khi Đề án xuất khẩu lao động và du học nghề được triển khai thực hiện đến nay, số lượng lao động đi xuất khẩu lao động ngày một tăng. Năm 2019 có 1.589 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 113,5% kế hoạch năm), chủ yếu ở các thị trường lao động có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Các chính sách về việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động ngày càng từng bước được nâng cao. Trong thời gian qua, các chính sách này đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động của tỉnh mỗi năm, nâng cao nhận thức của người lao động và xã hội về việc làm, góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội về việc làm, thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu hướng hội nhập quốc tế. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở tỉnh Ninh Bình, đặc biệt lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn… đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đáng kể đời sống cho người dân nông thôn. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,63% năm 2018 xuống còn 2,57%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa có sự gắn kết chặt chẽ trong xây dựng chương trình, phối hợp thực hành nghề, đào tạo theo đơn đặt hàng tại doanh nghiệp và sử dụng lao động sau đào tạo; chất lượng đào tạo tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng cao của thị trường lao động. Người lao động tìm việc làm do hiểu biết còn hạn chế, e ngại khi tham gia các hoạt động của sàn giao dịch việc làm, mặt khác mức thu nhập của các doanh nghiêp khi tham gia tuyển dụng lao động chưa hấp dẫn vì vậy chưa thu hút được nhiều lao động đến tham gia hoạt động giao dịch việc làm.

Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ, chú trọng phát triển một số nghề trọng điểm có thế mạnh của tỉnh, các nhóm ngành nghề đang phát triển như: Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, ngành công nghiệp điện tử, các nhóm ngành nghề khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân,… Nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường lao động, tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xuất khẩu lao động và Du học nghề, chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường an toàn, có thu nhập cao; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, tín dụng, dạy nghề, thông tin thị trường./.

Theo Lao động và Xã hội

https://m.tapchilaodongxahoi.vn/ninh-binh-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-tao-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-1314915.html


Chia sẻ trên

17/07/2024 | Tác giả: Thu Dung

Ninh Bình đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động

Với những giải pháp linh hoạt trong công tác tư vấn và giới thiệu việc làm, từ đầu năm đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn cho trên 17.000 lượt người, trong đó hơn 1.500 lao động được giới thiệu và có việc làm ổn định.

17/07/2024 | Tác giả: Đức Phương

Nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp tại Ninh Bình rất lớn

41 doanh nghiệp ở Ninh Bình được khảo sát cho thấy có nhu cầu tuyển trên 9.300 lao động

17/07/2024 | Tác giả: T.H

Ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi tiêu hóa

Thời gian gần đây, Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó trong khám bệnh, trong đó có kỹ thuật nội soi tiêu hóa. Bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của trung tâm đã tạo cơ hội để người dân được sử dụng dịch vụ khám bệnh chất lượng cao ngay tại cơ sở.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...