Ninh Thuận tạo đòn bẩy bứt phá từ phát triển năng lượng xanh
04/07/2024 | Tác giả: Nguyễn Thành Lượt xem: 130
Chiều 27/4, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức "Hội thảo năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon".
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận năm 2024.
Trên 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương, các tổ chức tài chính, tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện khí... Theo các quy hoạch được lập, điện gió trên đất liền tiềm năng phát triển đến năm 2030 hơn 1.429MW; điện gió ven biển tiềm năng khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi tiềm năng phát triển 21.000MW; điện mặt trời tiềm năng phát triển khoảng 8.448MW; điện khí LNG tiềm năng phát triển 6.000 MW, thủy điện tích năng tiềm năng phát triển 7.000MW... Ngoài ra, còn có các tiềm năng nguồn năng lượng khác thủy triều, điện sinh khối, sóng biển, hải lưu...
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh. Vì vậy, Ninh Thuận rất mong muốn hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Hiện nay, việc phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải các-bon thấp, hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch. Hydrogen sạch được xác định là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050. Trong số đó, Ninh Thuận được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải các-bon để sản xuất hydrogen xanh. Đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.
"Với lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, Ninh Thuận sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất hydrogen, đồng thời cũng là điểm nhấn quan trọng để Chính phủ kỳ vọng, tin tưởng lựa chọn Ninh Thuận là nơi sẽ đặt Trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ", ông Phạm Văn Hậu cho biết.
Tại hội thảo, các tư liệu, luận cứ khoa học được các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích để cùng chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm triển khai, tiêu chuẩn quốc tế về dự án hydro xanh và khu công nghiệp net zero, kinh nghiệm quốc tế hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, bao gồm giải pháp kỹ thuật và tài chính cho bất động sản công nghiệp, sản xuất hydro xanh từ thủy điện tích năng quy mô nhỏ và điện mặt trời, đánh giá lựa chọn công nghệ và thiết bị sản xuất hydro/amoniac xanh.
Đồng thời, kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế, các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh và một số giải pháp để nghiên cứu phát triển cho các dự án sản xuất hydro dự kiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Qua đó, nhằm gia tăng giá trị và vai trò của ngành năng lượng sạch trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh, góp phần đưa Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Đặng Hải Anh, Trưởng nhóm vận chuyển và chế biến dầu khí – Vụ Dầu khí và than, Bộ Công Thương đi sâu phân tích "Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2050" với mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen (H2) của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững.
Với chiến lược này, Bộ Công Thương và các cơ quan, ban ngành cũng sẽ đồng hành và hoàn thiện các chính sách cũng như tạo hành lang pháp lý phù hợp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong tiếp cận và theo đuổi mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hydrogen về cơ chế, nguồn vốn, khoa học công nghệ và cả nguồn nhân lực của lĩnh vực này.
Chia sẻ về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực hydrogen xanh, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) trình bày tham luận "Nghiên cứu phát triển Tổ hợp năng lượng xanh và Khu công nghiệp xanh tại tỉnh Ninh Thuận". Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, Trungnam Group có kế hoạch phát triển một số Tổ hợp năng lượng xanh để sản xuất hydrogen xanh và amoniac xanh tại Việt Nam để phân phối trong nước và xuất khẩu. Năng lượng gió và mặt trời là những nguồn chính để sản xuất hydrogen xanh và amoniac xanh; methanol xanh, methane và nhiên liệu xanh sẽ được xem xét trong tương lai khi nhu cầu tăng lên; nguồn điện xanh cung cấp cho khu công nghiệp và lưới điện Quốc gia. Trungnam Group dự kiến sẽ sản xuất 250 nghìn tấn/năm hydrogen xanh vào năm 2030 và 2,5 triệu tấn/năm hydrogen xanh vào năm 2050.
Nắm bắt nhu cầu hydrogen và tiềm năng năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận, Trungnam Group đang nghiên cứu và phát triển mô hình Khu phức hợp Năng lượng xanh tại tỉnh Ninh Thuận quy mô lên tới 4.247 ha với ba hợp phần gồm Nhà máy hydrogen xanh Cà Ná; tổ hợp năng lượng tái tạo cấp nguồn; tổ hợp cảng xuất hàng lỏng. Dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2030, hoàn thành toàn bộ năm giai đoạn vào năm 2046. Cùng đó, triển khai xây dựng khu công nghiệp xanh - Khu công nghiệp Cà Ná, huyện Thuận Nam với diện tích 827,2 ha với định hướng thu hút đầu tư và sẽ cùng với các đối tác phát triển khu công nghiệp theo hướng sử dụng năng lượng xanh và hoạt động sản xuất chọn lọc phù hợp tiêu chí xanh, bền vững.
Tại chương trình hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trungnam Group với các Tập đoàn Envision, Tập đoàn Siemens Energy biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh với các nguồn lực sẵn có và đẩy mạnh cơ hội hợp tác phát triển trong thời gian tới.
Theo Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/dia-phuong/ninh-thuan-tao-don-bay-but-pha-tu-phat-trien-nang-luong-xanh-20240427192214916.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn