Nông dân Đào Thịnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ
04/06/2024 | Tác giả: Đỗ Thị Hoài Thương Lượt xem: 133
Xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên hiện có Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Việt Nam và HTX Tiến Thành T&T đã và đang triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. 2 HTX này đã cho ra các sản phẩm có chất lượng, thân thiện với môi trường, đảm bảo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Gia đình bà Dương Thị Chung, thôn 1, xã Đào Thịnh trồng cây khôi nhung dưới tán rừng quế từ năm 2020. Đến nay, 4 sào khôi nhung đã bắt đầu cho thu hoạch. Bà cũng là 1 trong 7 thành viên của HTX Tiến Thành T&T, chuyên sản xuất các sản phẩm hữu cơ.
Bà Chung chia sẻ: "Sản xuất hữu cơ có lợi cho sức khỏe, cả người sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy, tôi và các thành viên HTX đã tích cực áp dụng kỹ thuật sản xuất hữu cơ, từ ươm cây khôi nhung giống đến trồng và chăm sóc, sử dụng các phương pháp thủ công để phòng trừ sâu bệnh mà không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ… để cho ra sản phẩm sạch”.
Hiện HTX Tiến Thành T&T đã có 21ha cây dược liệu với các loại khôi nhung, nghệ, tía tô, gừng… HTX cũng đã đầu tư máy đóng trà túi lọc tự động. Sản phẩm trà khôi nhung của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng/thành viên/năm.
HTX Tiến Thành T&T thành lập tháng 6/2023, tiền thân là Tổ hợp tác (THT) dược liệu Develope với 7 thành viên, trong đó 4 thành viên nữ với mục tiêu cung cấp các sản phẩm thảo mộc, nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho các thành viên.
"Trước khi thành lập HTX, các thành viên đã trồng các loại cây dược liệu như: khôi nhung, nghệ, gừng… làm nguyên liệu chế biến trà thảo mộc và cung cấp ra thị trường. Sản phẩm quế vỏ được HTX liên kết thu gom và bán cho HTX Quế hồi Việt Nam; lá khôi nhung cung cấp cho cửa hàng dược trong và ngoài tỉnh” - bà Trần Thị Hiền, Giám đốc HTX Tiến Thành T&T cho biết. Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm chính là trà khôi nhung và trà tía tô túi lọc cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm này cũng đã được giới thiệu tại Australia.
Cùng với HTX Tiến Thành T&T, HTX Quế hồi Việt Nam được thành lập năm 2017 với 22 thành viên chuyên sản xuất và xuất khẩu quế hồi đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Sản phẩm của HTX Quế hồi Đào Thịnh gồm: quế bột, quế tăm, quế điếu thuốc, tinh dầu quế… đã có mặt ở những thị trường cao cấp như: Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật bản, Hàn Quốc...
Anh Phạm Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh cho hay: "Hiện Đào Thịnh đã có trên 674 ha quế sản xuất theo hướng hữu cơ. Các thành viên tham gia đều có kiến thức, kỹ thuật sản xuất hữu cơ. Năm 2023, HTX Quế hồi Việt Nam đã chế biến được hơn 400 tấn quế, 200 tấn hồi và các gia vị khác, đạt doanh thu hơn 36 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên với mức bình quân 170 - 180 triệu đồng/người/năm, tạo công ăn việc làm cho 60 lao động với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng”.
Để hỗ trợ 2 HTX này, vừa qua, thông qua Hội Nông dân tỉnh, Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) Việt Nam và đoàn công tác của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã khảo sát thực tế tại 2 HTX. Tại buổi tham quan, đoàn công tác của Chương trình FFF II và FAO đã thảo luận với các hội viên nông dân xã Đào Thịnh về lợi thế của sản xuất hữu cơ và những hạn chế trong phát triển HTX và chuỗi giá trị, đa dạng sinh học nông nghiệp cùng khả năng chống chịu với khí hậu.
Bà Kata Wagner- Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên quốc tế về môi trường và phát triển (IIED) và Chương trình FFF cho biết: "Mô hình canh tác hữu cơ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và người sản xuất. Cụ thể, giúp duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất, phát triển nông nghiệp bền vững, ít gây ô nhiễm nguồn nước. Tôi nhận thấy xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên có tiềm năng lớn để sản xuất hữu cơ, người dân đã bước đầu biết đến sản xuất hữu cơ, sản xuất ra những sản phẩm an toàn cho người dùng".
Tuy vậy, bà cũng lưu ý: "2 HTX này cần hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, cần thay thế bằng túi giấy thân thiện với môi trường; cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hệ thống máy móc phục vụ cho sản xuất, nâng cao kiến thức xây dựng và tìm kiếm thị trường, tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm bột quế hữu cơ, trà thảo mộc; tăng cường phối hợp hoạt động các các thành viên HTX trong việc điều hành hỗ trợ kỹ thuật trồng thảo dược, kiểm soát chặt các hoạt động trồng trọt hữu cơ; đăng ký chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên HTX và người lao động”.
FFF giai đoạn II sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp bền vững, giữ gìn môi trường sinh thái thông qua sản xuất nông nghiệp hữu cơ để gia tăng giá trị sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên,khó khăn hiện nay với 2 HTX là: chi phí để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao, nông dân khó tiếp cận các nguồn kiến thức; quy trình sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường, đầu ra sản phẩm hữu cơ còn chậm, sản xuất phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, sản lượng sản phẩm không ổn định. Do đó rất cần sự nỗ lực của những người nông dân, sự tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn, các cấp Hội nông dân tỉnh và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Theo Báo Yên Bái
https://baoyenbai.com.vn/12/323648/Nong-dan-Dao-Thinh-san-xuat-nong-nghiep-huu-co.aspx
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn