Nông sản chờ tín hiệu vui từ thị trường Trung Quốc

Nông sản chờ tín hiệu vui từ thị trường Trung Quốc

27/06/2023 | Tác giả: Nhật Linh Lượt xem: 13429


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Chuyến thăm được kỳ vọng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa các cơ chế thuận lợi hóa thương mại, đặc biệt là mở đường cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Nông sản chờ tín hiệu vui từ thị trường Trung Quốc

Nhận định về ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá, đây là chuyến thăm tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng sẽ tập trung tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước.

Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc.

Mong mở thêm thị trường, giảm tần suất kiểm tra

Chia sẻ với VnBusiness về những kỳ vọng của ngành hàng trái cây từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, Việt Nam - Trung Quốc có quan hệ xuất nhập khẩu rau quả diễn ra tốt. Ngay đầu năm nay, Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách “Zero COVID”, từ đó giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những kết quả vượt bậc, với con số nửa đầu năm nay khoảng 2,8 - 3 tỷ USD, kim ngạch đạt được gần bằng cả năm ngoái, trong đó có đóng góp lớn từ thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyên nhấn mạnh, thị trường Trung Quốc rất quan trọng với nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm ngoái, Trung Quốc đã có nhiều động thái tích cực, hỗ trợ ngành rau quả Việt Nam phát triển. “Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng chuyến đi của Thủ tướng lần này sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ mậu dịch của 2 nước. Trung Quốc mở thêm thị trường cho nhiều mặt hàng rau quả Việt Nam, nâng cao hơn kim ngạch trong những năm tới”, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ.

Cụ thể, Hiệp hội Rau quả Việt Nam mong muốn sau Nghị định thư về sầu riêng, măng cụt, chuối, khoai lang, chanh leo, tổ yến; Trung Quốc sẽ ký thêm các Nghị định thư cho các mặt hàng khác như dừa, thanh long, bưởi…

“Đặc biệt, chúng tôi mong muốn Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam giống như đã làm với Thái Lan. Điều này sẽ giúp trái sầu riêng của Việt Nam nâng cao kim ngạch tại thị trường này”, ông Nguyên cho biết, việc ký được các Nghị định thư sẽ giúp tần suất kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm với nông sản Việt sẽ giảm đi thay vì hiện nay có lô hàng bị kiểm tra tới 100%. Mặt khác, nông sản Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng hơn nữa để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc đang rất tốt nên mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD cho năm nay sẽ đạt được. Song, người tiêu dùng Trung Quốc đang ưa chuộng sầu riêng Thái Lan hơn bởi căn bản nước này đã thâm nhập từ nhiều năm trước.

Điều này cho thấy, sầu riêng Việt Nam đi sau Thái Lan thì phải nâng cao chất lượng để tạo lợi thế cạnh tranh, khi chất lượng ổn định mới có thể tự tin đáp ứng nhu cầu thị trường tỷ dân và mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Trung Quốc.

80-90% sản lượng thanh long Việt Nam được xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc. 

Nông sản Việt cần nâng cao chất lượng

Theo Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu, sản lượng sầu riêng Việt Nam mới chỉ bằng 1/10 Thái Lan. Năm 2022, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 6%. Năm nay, nếu tăng trưởng tốt lắm cũng đạt khoảng 15%. Trong khi, sầu riêng Malaysia cũng chỉ chiếm 0,6% thị phần ở Trung Quốc, số còn lại đều thuộc về Thái Lan. Như vậy, có thể nói sản lượng sầu riêng của Việt Nam là không đáng kể, nhưng phải cải thiện chất lượng để tìm được chỗ đứng vững chắc.

Hay đối với ngành hàng tổ Yến, thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Với sản lượng yến hiện nay khoảng 200 tấn/năm đem lại giá trị kinh tế rất cao với trị giá khoảng 200 triệu USD/năm, vượt qua nhiều ngành kinh tế tiềm năng, đặc hữu thị trường thế giới, đây là ngành nghề mới nhưng rất triển vọng và có thế mạnh đối với thị trường xuất khẩu; đặt biệt ở thị trường Trung Quốc – khi quốc gia này đã đồng ý nhập khẩu chính ngạch mặt hàng Yến của Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cho biết đến ngày 19/6/2023, đã có 35 doanh nghiệp với khoảng gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến (trong tổng số gần 24.000 cơ sở nuôi chim yến trên toàn quốc) đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành yến vẫn đang có những tồn tại, bất cập như công tác quản lý nuôi chim yến, giám sát, đánh giá, bảo đảm các yêu cầu xuất khẩu còn gặp khó khăn; Việc đàm phán, hướng dẫn, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm tổ yến còn nhiều hạn chế, chưa có cơ sở được chấp nhận và cấp phép xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc theo Nghị định thư.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Công điện chỉ đạo các địa phương, các Bộ, ngành liên quan tập trung, ưu tiên các nguồn lực để chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.

Chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với thị trường Trung Quốc, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch HĐQT 365 Group dẫn chứng từ mặt hàng thanh long, đó là ngoài yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, các doanh nghiệp cần lưu ý đến nhu cầu của thị trường theo từng giai đoạn.

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu thanh long lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2015 đến nay, kim ngạch nhập khẩu của nước này có chiều hướng chững lại và giảm dần do sự phát triển diện tích sản xuất thanh long trong nước đáp ứng thêm một phần nhu cầu người tiêu dùng. Vì vậy, ông Cường cho rằng, nếu muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thanh long thì người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm.

Để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, các mặt hàng nông sản Việt Nam cần phải đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc… “Chúng ta nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường”, ông Cường chia sẻ.

Theo VnBusiness

https://vnbusiness.vn/viet-nam/nong-san-cho-tin-hieu-vui-tu-thi-truong-trung-quoc-1093455.html


Chia sẻ trên

26/06/2023 | Tác giả: An Nhi

Concert BLACKPINK ở Hà Nội chính thức bán vé ngày 7/7, giá vé thế nào?

Giá vé concert của BLACKPINK tại Hà Nội tới đây đang vô cùng được quan tâm.

27/06/2023 | Tác giả: Huyền Trang

Xác định rõ vai trò của bao bì trong nhận diện thương hiệu HTX

Thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động thương mại đang rất sôi động, cho thấy tương lai của nông sản Việt nói chung, nông sản của HTX nói riêng rất rộng mở. Tuy nhiên, nông sản của các HTX hiện có sức cạnh tranh chưa mạnh vì vướng nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề bao bì, làm ảnh hưởng đến hoạt động đưa nông sản ra thương trường.

26/06/2023 | Tác giả: Quốc Hồng

Lễ hội hái lê chín ở vùng đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”

Ngày 28/6, Ủy ban nhân dân huyện Bát Xát (Lào Cai) sẽ tổ chức Lễ hội tham quan, trải nghiệm hái và thưởng thức lê chín tại “thủ phủ” lê Tai Nung-VH6 ở xã vùng cao Nậm Pung. Đây là dịp để du khách tận mắt chiêm ngưỡng và thưởng thức quả lê tại vườn ở vùng đất “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...